oo-1693454621.jpg
Qua nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An vẫn chưa thể cổ phần hóa. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng cộng 12 công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp thuộc diện phải sắp xếp, đổi mới (5 công ty lâm nghiệp và 7 công ty nông nghiệp).

Chủ trương sẽ duy trì, củng cố, phát triển tái cơ cấu công ty TNHH nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với 4 công ty TNHH MTV gồm Lâm nghiệp Sông Hiếu, Lâm nghiệp Tương Dương, Lâm nghiệp Con Cuông và Lâm nghiệp Đô Lương.

Chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ, hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu và sáp nhập với Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu đối với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quỳnh Lưu.

Đang chú ý có 4 công ty thực hiện cổ phần hóa (Công ty đầu tư phát triển Chè Nghệ An, Công ty cao su cà phê, Công ty nông công nghiệp 3/2, Công ty TNHH MTV nông nghiệp Sông Con); 3 công ty góp nguyên trạng tài sản, tài chính, lao động, đất đai để thành lập công ty TNHH 2TV trở lên (Công ty TNHH MTV 1-5, Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành và Công ty TNHH MTV nông nghiệp An Ngãi).

Về các công ty lâm nghiệp tiến độ đã ổn, trong khi diễn biến tại các công ty nông nghiệp chưa thực sự êm trôi, lắm nút thắt chưa được tháo gỡ.

cv-1693454644.jpg
Mãi đến tháng 4/2022 Tổng Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Chè mới hoàn tất cổ phần hóa theo kế hoạch. Ảnh: Việt Khánh.

Hiện mới có 3/4 công ty thực hiện xong chủ trương cổ phần hóa (Công ty TNHH MTV nông công nghiệp 3/2 và Công ty TNHH MTV nông nghiệp Sông Con hoàn thành vào tháng 8/2018); Tổng Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Chè mới hoàn thành từ tháng 4/2022), nhìn chung các đơn vị hoạt động khá ổn định, phát huy có hiệu quả.

Trong kế hoạch cổ phần hóa, duy nhất Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An (gọi tắt là Công ty cà phê cao su) phải chịu cảnh thua thiệt, ngậm ngùi. Con đường "lên chuyên" của đơn vị này thực sự chông chênh, hết năm này sang năm khác ngóng trông mòn mỏi khiến tập thể lãnh đạo, công nhân viên và người lao động vô cùng bất an, tâm lý bị xáo trộn nặng nề.

Trên thực tế Công ty cà phê cao su đã hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt phương án rà soát, xử lý tài sản, nhà đất theo Nghị định 167/2019/NĐ-CP và phương án sử dụng đất theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Thế nhưng, do nảy sinh những “vướng mắc” trong quá trình thực hiện nên mọi việc đành phải gác lại, thành thử mục tiêu cổ phần hóa chưa hẹn ngày cán đích.

122-1693454665.jpg
Quá trình rà soát, xử lý tài sản của Công ty Cà phê Cao su Nghệ An mất quá nhiều thời gian. Ảnh: Việt Khánh.

Hỏi ra mới biết thời hạn xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An đã hết (từ 1/1/2022 đến 1/1/2023), tuy nhiên Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An vẫn chưa tiến hành tổ chức thẩm định. Nguyên do xuất phát từ quá trình xử lý tài sản “vườn cam Nghi Ân”.

Đây là tài sản của Công ty cà phê cao su đã bán đấu giá cho Công ty CP Dưỡng lão và chăm sóc phục hồi sức khỏe, có điều bên mua vẫn chưa hoàn tất thủ tục thuê đất (hàng năm Công ty cà phê cao su vẫn phải trả tiền thuê đất). Sự nhập nhằng, chồng chéo khiến mọi thứ đóng băng tại chỗ.

Thực trạng hẩm hiu cũng “lan” sang 3 Công ty nông nghiệp là An Ngãi, Xuân Thành và 1/5. Dù các đơn vị này đã hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt phương án rà soát, xử lý tài sản, nhà đất… theo quy định nhưng Đề án chuyển đổi thành công ty TNHH 2TV vẫn chưa được phê duyệt do chưa có văn bản hướng dẫn đấu giá quyền góp vốn.

Xoay quanh nội dung này, ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới chủ động thực hiện chuyển đổi khi có hướng dẫn của Trung ương về đấu giá phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Tựu chung, mọi thứ vẫn đang ở… chế độ chờ.

cc-1693454687.jpg
Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành, tên tuổi lẫy lừng một thời đang trầy trật thực sự khi chủ trương chuyển đổi thành Công ty TNHH 2TV chưa hẹn ngày cán đích. Ảnh: Việt Khánh.
Không hẹn mà gặp, cả 4 doanh nghiệp chưa thể “lên chuyên” đều đang đối diện với hàng loạt vấn đề bí bách. Tiến độ không như kỳ vọng khiến lộ trình, kế hoạch sản xuất, kinh doanh bị trì trệ theo. Triển khai dưới dạng cầm chừng đồng nghĩa chỉ tiêu kinh tế khó thành, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Đơn cử như Công ty cà phê cao su Nghệ An, dù quản lý diện tích khổng lồ lên đến hàng ngàn ha nhưng những năm qua làm ăn khá bết bát, ngay đến việc nộp thuế đất thôi (giai đoạn 2019 - 2023 trên dưới 17 tỷ đồng) cũng khó cáng đáng nổi.