Kế hoạch được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh theo các nội dung chỉ đạo Nghị quyết số 36/NQ-HĐND.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm chủ trì và phối hợp của các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làm cơ sở để thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.

c-1693441363.jpg
Kế hoạch số 623/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 của HĐND tỉnh về tăng cường việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện 08 nội dung về tăng cường việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm: Quán triệt nội dung Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 của HĐND tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân về bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường; tổ chức thẩm định, phê duyệt chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ các thủ tục môi trường theo đúng quy định. Tổ chức tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Tổ chức tốt việc theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường thông qua việc thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ; cập nhật hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc vận hành, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về môi trường, kết nối liên thông.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách, các điểm gây ô nhiễm kéo dài, các vấn đề trọng điểm về môi trường; rà soát, ban hành quy định khuyến khích, huy động, tổ chức thực hiện xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu về xử lý các loại rác thải sau phân loại tại nguồn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường theo quy định.

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định, UBND tỉnh giao các Sở: TN&MT, KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, NN&PTNT, GTVT, Y tế, KH&CN, TT&TT, GD&ĐT; Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan có liên quan chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ do HĐND tỉnh giao tại Nghị quyết số 36/NQ-HĐND và nhiệm vụ tại Kế hoạch số 509/KH-UBND ngày 14/7/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2030.

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện qua Sở TN&MT trước ngày 20/01 hàng năm lồng ghép trong báo cáo thực hiện Kế hoạch 509/KH-UBND ngày 14/7/2022 của UBND tỉnh. Quá trình thực hiện có vướng mắc, chủ động báo cáo UBND tỉnh. Giao Sở TN&MT đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện và báo cáo kết quả đúng thời gian quy định.