Phụ huynh “mơ hồ” khi đăng ký mua sách tham khảo
1 triệu 129 ngàn đồng là số tiền chị Nguyễn Hà Anh trả cho toàn bộ sách giáo khoa và 20 cuốn vở cho cậu con trai chuẩn bị vào lớp 4. Trong số này, có hàng chục cuốn sách nhưng chị không phân biệt được đâu là sách giáo khoa, đâu là sách tham khảo. Chị chỉ biết, riêng môn Toán đã có tới 10 cuốn và môn Tiếng Việt có tới 8 cuốn. Với môn Toán, ngoài vở bài tập Toán còn có cuốn Bài tập cuối tuần, Thực hành toán, Vở bài tập toán nâng cao và 36 đề ôn luyện toán lớp 4. Tương tự với môn Tiếng Việt, ngoài Vở bài tập, Vở thực hành còn có cuốn Những bài làm văn mẫu, Giúp em học tốt Tiếng Việt, Em tự ôn luyện Tiếng Việt.
Chia sẻ thêm về điều này, chị Hà Anh cho biết: Tôi có hai con và nhiều năm nay vẫn thường mua sách giáo khoa qua thư viện của nhà trường. Năm nay, thấy giáo viên chủ nhiệm bảo đăng ký mua chứ không có danh sách các loại sách như những năm trước nên tôi đăng ký mua cả bộ. Bây giờ về mới thấy có khá nhiều sách tham khảo, tôi cũng không biết các con có làm hết được hay không nữa. Vì có nhiều cuốn sách mua từ năm ngoái, hết năm học cũng chưa dùng hết.
Trên địa bàn thành phố Vinh, có khá nhiều phụ huynh lựa chọn mua sách giáo khoa qua kênh của nhà trường. Điều này có nhiều thuận lợi bởi sách được cung ứng đến tận từng phụ huynh, nguồn sách đảm bảo về chất lượng. Tuy nhiên, việc mua sách giáo khoa theo từng bộ cũng khó kiểm soát được từng đầu sách và không tránh được việc phải mua quá nhiều sách tham khảo. Bộ sách giáo khoa của con trai anh Nguyễn Văn Đức (năm nay lên lớp 5) năm nay cũng được cô giáo chủ nhiệm giới thiệu hết 1 triệu 073 ngàn đồng. Trong số này, nhà trường không ghi rõ danh mục từng cuốn sách mà chỉ ghi chung là sách giáo khoa cơ bản (27 quyển) hết 503 ngàn đồng, sách tham khảo và nâng cao (8 quyển) hết 280 ngàn đồng. Số còn lại là mua đồ dùng học tập, môn kỹ thuật và vở có dán logo của nhà trường.
Anh Nguyễn Văn Đức cho biết: Rõ ràng là cô giáo có chủ nhiệm có viết “đặt sách tại trường tránh tình trạng sách thừa, thiếu, sách không đảm bảo chất lượng” nhưng nhìn vào tờ giấy đăng ký như thế này chúng tôi không biết chọn cuốn nào và đâu là sách học, đâu là sách tham khảo. Nói thật, có nhiều cuốn sách nếu con học khá thì mình có thể yêu cầu cháu làm thêm. Còn ngược lại, mua xong rồi lại để đấy, cuối năm đi bán giấy vụn. Tôi cũng thấy giá sách tham khảo so với sách giáo khoa là quá đắt. Nếu nhìn vào biểu giá và số lượng sách đã thấy đắt gấp 3 rồi. Ngoài ra, có nhiều cuốn sách trong danh mục cần phải mua nhưng thực tế hầu như không sử dụng như vở bài tập khoa học, vở bài tập tin học, hướng dẫn học tin học…
Nếu như việc mua sách giáo khoa qua kênh của trường đang khiến nhiều phụ huynh lúng túng thì việc mua sách ở ngoài thị trường lại càng khó khăn gấp bội lần với một “rừng” sách tham khảo và cuốn nào cũng được giới thiệu là “quan trọng và cần thiết”. Trong khi đó, đa phần phụ huynh lại không biết lựa chọn sách nào cho phù hợp. Chị Ngọc Anh năm nay có con lên lớp 7 cho biết: Tôi đọc các cuốn sách tham khảo thấy na ná như nhau và thường lựa chọn những cuốn sách của những nhà xuất bản và các tác giả uy tín. Tuy nhiên, không phải năm nào cũng mua trúng sách các con cần học. Theo tôi, để tránh mua quá nhiều sách, lãng phí thì nhà trường và giáo viên cần định hướng cho phụ huynh, học sinh và có giải pháp giúp đỡ, hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo thiết thực, hiệu quả cho nhiều năm.
Sách tham khảo – lãng phí và chưa hiệu quả
Sách tham khảo được xem như là một loại sách bổ trợ cho sách giáo khoa và giúp học sinh học để tự nâng cao năng lực. Và gần như mỗi một môn học đều có ít nhất một cuốn sách tham khảo. Riêng những môn trọng tâm như Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học…thì mỗi một bậc học có rất nhiều sách với nhiều tác giả với nhiều nhà xuất bản khác nhau cùng xuất bản.
Là giáo viên dạy Toán, thầy giáo Phan Hoàng Thạch – giáo viên Trường THPT Bắc Yên Thành cho rằng “không chỉ học sinh mà giáo viên hiện nay cũng bị ngợp trước quá nhiều sách tham khảo. Trước đây khi tìm sách tham khảo cho môn Toán chúng tôi thường tìm những tác giả quen thuộc và những nhà xuất bản có uy tín. Nhưng hiện tại, khi việc thi toán đã chuyển từ hình thức tự luận sang hình thức trắc nghiệm thì có thêm rất nhiều bộ sách mới. Trong khi đó, các tác giả cũ lại không viết nhiều. Để chọn sách giáo khoa cho bản thân và cho giáo viên, tôi dành rất nhiều thời gian, đến hầu hết các nhà sách ở Vinh để tìm đọc, có những cuốn ngồi đọc cả buổi nhưng vẫn không tìm được sách phù hợp. Tôi thấy sách tham khảo hiện nay nhiều nhưng na ná nhau. Tác giả viết sách không có dấu ấn riêng mà chủ yếu là tổng hợp các đề thi và đưa ra đáp án. Học sinh không học được nhiều ở những cuốn sách tham khảo ấy…
Qua nhiều năm dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Thạch cũng cho rằng, tùy từng đối tượng học sinh thầy sẽ hướng dẫn các em mua cuốn sách nào cho phù hợp “thậm chí có những cuốn sách cả thầy và trò cùng ra hiệu sách để xem và thảo luận”. Bên cạnh đó, học sinh ngày nay cũng có xu hướng không mua sách giáo khoa mà tham khảo trên mạng các tài liệu để tự học. Tuy vậy, cách học này cũng có những hạn chế là các em phụ thuộc vào mạng xã hội quá nhiều và các em ngại tìm tòi vì các bài tập trên mạng đều có sẵn đáp án.
Để chấn chỉnh tình trạng “lạm dụng” sách tham khảo, trong những năm qua, ngành giáo dục Nghệ An cũng có văn bản yêu cầu các nhà trường không được ép phụ huynh mua sách tham khảo hoặc không được đưa sách tham khảo vào danh mục sách giáo khoa. Dẫu vậy, để quản lý được triệt để vấn đề này còn nhiều khó khăn và trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng “đến hẹn lại lên” khi sách tham khảo vẫn “len lỏi” trong danh mục sách của nhiều nhà trường.
Liên quan đến vấn đề này, tối ngày 12/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý đó là yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đặc biệt, giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào. Bên cạnh đó chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào. Ngoài ra, không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
Những động thái này cũng cho thấy, việc lạm dụng sách tham khảo, không những không đem lại hiệu quả tích cực trong dạy học mà còn lãng phí, tốn kém và có thể có cả sự trục lợi về kinh tế nếu không được quán triệt và xử lý nghiêm túc theo đúng các quy định./.