Chiều 1-6, tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã nói về giá sách giáo khoa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngày 28-11-2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nghị quyết 88 quy định: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đã nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian... để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất
Theo Nghị quyết này, công việc biên soạn sách giáo khoa đã được thực hiện theo hướng xã hội hóa. Các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành. Với mong muốn học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý nhà nước và góc độ chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã thực hiện một số nhiệm vụ liên quan.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để làm sao để sách xuất bản có thể dùng lại được nhiều lần và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình phải phù hợp với tiêu chuẩn sách giáo khoa về xuất bản phẩm.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị ban hành một Thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về sách giáo khoa để điều tiết việc này một cách cụ thể hơn và có hiệu quả hơn.
Người đứng đầu Bộ GD-ĐT cho biết cơ quan này đã nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất.
Bên cạnh đó, chỉ đạo nhà xuất bản này thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng và đã chỉ đạo nhà xuất bản cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành.
"Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đây là một doanh nghiệp Nhà nước do Bộ quản lý, Bộ đã chỉ đạo nhà xuất bản tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu nhà xuất bản theo hướng tinh gọn nhân sự, bộ máy để tiết giảm tối đa khâu trung gian"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, có chính sách trợ giá.
Trước đó, trong phiên thảo luận sáng cùng ngày, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri, nhân dân được biết và chia sẻ.
Tại phiên thảo luận tổ trong chương trình kỳ họp thứ 3 vào ngày 25-5, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, giá sách giáo khoa bộ mới cao hơn là do khổ (kích thước) sách lớn hơn, giấy tốt hơn. Thêm vào đó, các nhà xuất bản không được Nhà nước hỗ trợ tiền cho các khâu như với các bộ sách cũ thuộc chương trình giáo dục năm 2016.