UBND xã Nghĩa Xuân, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) đã phát đi thông báo để tìm chủ nhân hàng trăm khối đá cảnh tập kết trái phép. Trường hợp, nếu không ai đến nhận, địa phương này sẽ báo cáo lên cấp trên để xử lý theo quy định pháp luật.
Thông tin từ ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp (Nghệ An) cho biết: Sau khi Đoàn liên ngành kiểm tra và lập biên bản hiện trạng việc hàng trăm khối đá cảnh tập kết trái phép tại xã Nghĩa Xuân, huyện đã giao cho chính quyền địa phương thông báo để tìm chủ nhân khối đá trên. Trường hợp nếu không có ai nhận số đá trên thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập hồ sơ và xử lý theo quy định pháp luật.
Thông báo tìm chủ nhân tập kết đá cảnh trái phép.
Theo thông báo phát đi của UBND xã Nghĩa Xuân nên rõ: Căn cứ nội dung buồi làm việc ngày 12/3 giữa Đoàn liên ngành kiểm tra khoáng sản huyện Qùy Hợp với UBND xã Nghĩa Xuân, Công ty Nông nghiệp Xuân Thành về việc kiểm tra xác minh chủ nhân khối lượng đá tập kết tại xóm Thành Xuân, xã Nghĩa Xuân (trước cổng chính nhà máy đường Nghệ An NASU trên vùng đất do Công ty nông nghiệp Xuân Thành quản lý sử dụng) mà Tạp chí Tài chính doanh nghiệp đã phản ánh trước đó.
Tại buổi làm việc, Đoàn chưa xác minh được chủ nhân của khối lượng đá tập kết nêu trên và chưa có người đứng ra nhận. Đoàn đã lập biên bản hiện trạng, giao cho UBND xã Nghĩa Xuân, Công ty nông nghiệp Xuân Thành tiếp tục phối hợp, kiểm tra xác minh chủ nhân của khối đá đã tập kết trên.
Nay, UBND xã Nghĩa Xuân thông báo cho tập thể, cá nhân trong và ngoài địa bàn ai là chủ nhân của số đá trên, trực tiếp đến làm việc với UBND xã để xác minh nguồn gốc cũng như các giấy tờ liên quan.
UBND xã Nghĩa Xuấn cũng đề nghị Công ty Nông nghiệp Xuân Thành phối hợp xác minh chủ nhân khối lượng đá tập kết trên diện tích đất do nông trường quản lý sử dụng.
Thời gian Thông báo từ ngày 15/3 đến ngày 22/3/2021, nếu sau thời gian trên không ai đến nhận, UBND xã sẽ báo cáo lên đoàn liên ngành quản lý khoáng sản UBND huyện Qùy Hợp để xử lý theo quy định pháp luật.
Như đã đưa tin trước đó, nhiều tháng nay, người dân địa phương đã bất ngờ thấy hàng trăm khối đá cảnh hay còn gọi là đá cổ thạch được tập kết ngay dọc tuyến đường Quốc lộ 48, thuộc xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Điều đáng nói, hàng trăm khối đá trên được tập kết trái phép tại khu đất thuộc quản lý của Nông trường Xuân Thành (Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành - là 1 đơn vị Doanh nghiệp nhà nước) suốt nhiều tháng nay mà vẫn chưa thấy cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương đến kiểm tra, xử lý.
Hàng trăm khối đá trên được tập kết trái phép tại khu đất thuộc quản lý của 1 đơn vị Doanh nghiệp nhà nước nhưng suốt nhiều tháng nay mà vẫn chưa thấy cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương đến kiểm tra, xử lý.
Cũng theo người dân bản địa nơi đây, những khối đá trên được 1 số cá nhân khai thác theo dạng “thổ phỉ” trên địa bàn đưa về đây để tập kết và bán ra thị trường khi khách hàng có nhu cầu mua.
Sau khi phản ánh, Đoàn liên ngành huyện Qùy Hợp (Nghệ An) đã tiến hành kiểm tra, xác minh hàng trăm khối đá cảnh tập kết trái phép ngay dọc tuyến đường Quốc lộ 48, thuộc xã Nghĩa Xuân, huyện Qùy Hợp (Nghệ An).
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn và chống thất thu thuế cho nhà nước, Đoàn đã yêu cầu Đội chống thất thu Thuế huyện Qùy Hợp chủ trì phối hợp với UBND xã Nghĩa Xuân và Nông trường Xuân Thành xác minh làm rõ người đã đổ đá, nguồn gốc đá như báo đã phản ánh và xử lý theo quy định.
Đồng thời, yêu cầu Đội chống thất thu Thuế báo cáo kết quả xác minh, xử lý gửi về UBND huyện (qua phòng Kinh tế hạ tầng) trước ngày 18/3/2021.
Biên bản làm việc của Đoàn liên ngành huyện Qùy Hợp.
Được biết, nhiều năm nay, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) là một trong những điểm nóng của tình trạng khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép ở miền núi Tây Nghệ An. Điều đáng lo ngại là thực trạng này ngày càng diễn ra phức tạp với đủ loại hình từ công khai đến bán công khai.
Tại xã Nghĩa Xuân nói riêng và huyện Quỳ Hợp nói chung, tình trạng khai thác trái phép đá cảnh này không hề có dấu hiệu hạ nhiệt dù các phương tiện truyền thông báo chí phản ánh khá nhiều. Thậm chí, chính quyền địa phương từng xử phạt một số cá nhân tổ chức vi phạm. Tuy nhiên, mức xử phạt còn thấp chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng trong khi lợi nhuận lớn từ việc khai thác, vận chuyển khoáng sản lậu nên chưa đủ sức răn đe./.