ss-1681432849.jpg
Ra quân vệ sinh môi trường trong xây dựng Nông thôn mới tại Nghệ An (Ảnh: B.T)

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Nghệ An, đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có 309 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%); 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 14,23% xã nông thôn mới); có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả tỉnh đạt 16,95 tiêu chí/xã, đồng thời, có 349 sản phẩm được công nhận OCOP. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn dự kiến đến hết năm 2022 của tỉnh đạt 35,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 còn 6,49%. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 88,94%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn đến nay đạt 87%.

Văn phòng điều phối nông thôn mới Nghệ An cho biết thêm, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, các xã còn lại được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho Nhân dân. Nghệ An phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2023 đạt khoảng 36,5 triệu đồng/người/năm. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như: Giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học,…

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Nghệ An, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp Nhân dân.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng các mô hình. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thôn, bản nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Cùng với đó, tập trung huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới. Tăng cường vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng nông thôn mới; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể,...

Thứ nữa, địa phương sẽ tập trung triển khai xây dựng và thực hiện các chương trình chuyên đề theo chỉ đạo của Trung ương để phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Quan tâm hỗ trợ, triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo giữ vững và nâng cao việc thực hiện các tiêu chí đã đạt được, đồng thời chú trọng đến các nội dung tiêu chí nông thôn mới ở cấp thôn, bản và hộ gia đình.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân điển hình. Đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.

Theo B. T - dangcongsan.vn