Những ngày này, từ cảng cá Cửa Hội đến cảng TX. Cửa Lò (Nghệ An), đâu đâu cũng chật ních tàu, thuyền của ngư dân như tránh mùa mưa bão. Đây không phải là cơn bão thiên nhiên thường thấy, mà là "bão giá xăng dầu". Nhiều chủ tàu ra khơi 1-2 chuyến đầu năm đều phải bù lỗ trăm triệu đồng chi phí nhiên liệu.
Lão ngư 41 năm bám biển không dám ra khơi
Tàu cá ông Trần Văn Lượng (SN 1970), quê ở Quảng Ngãi đang neo ở cảng Cửa Hội, cho biết, hai con tàu của ông được đóng tại Nghệ An năm 2018, công suất 1.300 CV, trị giá thời điểm đó là 15 tỷ đồng. Từ ngày hạ thuỷ đến nay, chưa bao giờ tàu cá của ông phải bù lỗ, hầu hết ra khơi đều có lãi từ “kho vàng dưới đáy biển” tôm, cá đầy khoang trở về bờ.
Cuối tháng Giêng, hai con tàu của ông cùng 15 thuyền viên ra biển đánh bắt cá. Sau 10 ngày trở về, mỗi con tàu ông phải bù lỗ 80 triệu đồng tiền dầu, chưa tính tiền công thuyền viên.
Mỗi ngày di chuyển trên biển, hai con tàu của ông Lượng tiêu thụ hết khoảng 2 tấn dầu. So với năm 2021, giá dầu đã tăng lên hơn 4.000 đồng/lít. Tính ra mỗi ngày, chủ tàu phải bù lỗ 8 triệu đồng. Giá dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của chủ tàu và các thuyền viên.
“Mùa này sứa rất nhiều nên khó đánh bắt các loại cá. Với giá dầu như hiện nay, khủng hoảng kinh tế ngư nghiệp là chắc chắn. Tôi làm nghề đã 41 năm, nhưng chưa bao giờ giá dầu lại cao như vậy. So với năm 2014, giá dầu tăng 3.000 đồng/lít nhưng hồi đó cá quá nhiều, có thể bù lỗ” - ông Lượng nhớ lại.
Còn hiện nay, các loại tàu có công suất lớn, đi biển dài ngày cũng không dám xuất bến. Hầu hết chủ tàu ra khơi đều ứng tiền dầu đi trước về bán cá trả sau. Trong 10 ngày di chuyển trên biển, tàu cá của ông Lượng tiêu thụ hết khoảng 450 triệu tiền dầu, gần 100 triệu đồng chi phí khác.
"Mỗi con tàu chỉ chạy ra và chạy vào khu vực đánh bắt cá đã tiêu hao hết 70 triệu đồng tiền dầu. Chạy xa tốn dầu, sản phẩm mình làm ra vào bờ bán lại không được giá. Tàu của chúng tôi quyết định nằm lại cảng Cửa Hội, chờ hàng hoá lên giá ổn định mới ra khơi" - ông bộc bạch.
Ông Lượng mong Nhà nước có biện pháp bù lỗ để ngư nghiệp phát triển bền vững. Hai năm qua, dịch Covid-19 khiến hàng hoá không thể xuất khẩu. Trong khi đó, tiền lãi ngân hàng vẫn không giảm, nếu không được hỗ trợ ông lo phải bàn giao tàu cho Nhà nước.
Thu nhập bị ảnh hưởng
Thuyền viên Nguyễn Thành Lên (SN 1983) cho biết, với 16 năm theo tàu đánh bắt thuỷ sản trên biển, chưa có năm nào mà chuyến tàu đầu tiên lại vất vả như bây giờ. Nguồn thu nhập của anh em giảm sút do giá dầu tăng cao, trong khi gia đình, vợ con đang trông chờ vào nguồn tiền này.
Chủ tàu cá Mai Văn Hải (SN 1967), trú tại phường Nghi Thủy, TX.Cửa Lò, lo ngại, giá dầu tăng cao, trong khi nguồn thuỷ hải sản thời điểm này chưa phải vào chính vụ. Do đó, ra khơi mỗi chuyến đều phải bù lỗ hàng chục triệu tiền dầu nên tàu cá công suất lớn chỉ biết nằm bờ chờ đợi.
Theo Chủ tịch Hội nông dân phường Nghi Thủy (TX.Cửa Lò) Nguyễn Tiến Lợi, toàn thị xã Cửa Lò có gần 50 tàu cá công suất lớn, trong đó 44 tàu có công suất từ 800CV đến 1.500CV. Gần 10 ngày qua, tàu cá của ngư dân đều cập cảng nằm bờ vì giá dầu lên cao.
“Giá xăng dầu trên toàn thế giới tăng nên trong nước cũng tăng và các mặt hàng khác cũng tăng theo. Chỉ mong các cấp TƯ có chính sách hỗ trợ ngư dân để tiếp tục ra khơi bám biển” - ông Lợi cho hay.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu - thông tin, do giá dầu lên cao, ngư dân đánh bắt hải sản không đủ chi phí nên hầu hết tàu thuyền phải nằm bờ. Chỉ riêng tàu thuyền công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ thì vẫn hoạt động cầm chừng.
"Toàn huyện có gần 300 tàu có công suất lớn, từ 90CV đến hơn 800CV, vốn hoạt động dài ngày trên biển đang phải nằm bờ. Giá dầu quá cao nên cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân ra khơi vừa phát triển kinh tế và bám lấy ngư trường biển đảo" - ông Vinh chia sẻ.
Toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 3.400 tàu thuyền lớn nhỏ, trong đó hơn 1.000 tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao. Với hơn 17.000 lao động hoạt động trên biển, 2 năm qua, ngư dân đã gặp khó khăn do dịch bệnh, nay lại phải đối mặt với khủng hoảng giá dầu./.