Hồ chứa nước Hố Lở xã Minh Thành, huyện Yên Thành lâu nay xuống cấp trầm trọng, có nhiều tổ mối, rò rỉ, nguy cơ vỡ đập đe dọa tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân. Bằng việc lồng ghép từ các nguồn vốn, đến nay công trình này đã nâng cấp làm lại thân đê, lát mái đá thượng và hạ lưu, công trình hiện đạt trên 90% khối lượng.
Ông Nguyễn Khánh Tùng - Chủ tịch UBND xã Minh Thành cho biết thêm: Công trình này sẽ đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay, ngoài bảo vệ an toàn cho các hộ dân ở xung quanh, hồ chứa còn tích nước để phục vụ cho vụ lúa đông xuân năm tới.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thành, tính đến thời điểm này huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 hồ chứa lớn là hồ Nhà Trò xã Tiến Thành, hồ Đồn Húng xã Hùng Thành. Yên Thành đang nỗ lực thi công mới 6 hồ chứa và sẽ đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão, tập trung ở các xã Tây Thành, Minh Thành, Sơn Thành. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là do đang thực hiện cách ly toàn huyện nên vấn đề thi công gặp nhiều khó khăn.
Địa bàn huyện Yên Thành có trên 200 hồ chứa lớn nhỏ, trong đó có nhiều hồ chứa ách yếu. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, huyện đã chỉ đạo các địa phương, xí nghiệp thủy lợi kiểm tra rà soát các hồ chứa, có biện pháp khắc phục như chống thấm, rò rỉ, xử lý tổ mối. Đặc biệt chuẩn bị các vật tư vật liệu như rọ đá, bao cát ở các công trình hồ chứa ách yếu để xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.
Địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện tại vừa đưa vào sử dụng 3 hồ chứa hồ Eo Dâu xã Quỳnh Văn, hồ Hóc Mét xã Tân Sơn, hồ Bãi Sả xã Quỳnh Lâm. Tính từ năm 2018 đến nay, Quỳnh Lưu nâng cấp được trên 15 hồ chứa lớn nhỏ, hiện tại có trên 20 hồ chứa nhỏ xuống cấp.
Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 1.061 hồ chứa nước. Từ năm 2010 đến nay, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, Nghệ An đã nâng cấp được trên 200 hồ chứa ách yếu có quy mô từ 2-3 triệu m3 nước. Cơ bản các hồ chứa đều đảm bảo phòng, chống lũ tốt và tích nước gieo cấy các vụ lúa.
Khó khăn đặt ra hiện nay là còn nhiều hồ chứa do địa phương quản lý hầu hết xuống cấp. Phần lớn các hồ chứa đã có thời gian sử dụng từ 30 đến 40 năm được xây dựng theo quy trình, quy phạm cũ, thi công không đồng bộ, công tác vận hành, quản lý hồ cũng có nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, tại các hồ chứa nhỏ, công trình xả lũ là tràn tự do nên hầu hết chưa có quy trình vận hành, chưa được kiểm định an toàn đập theo quy định. Công tác chuẩn bị phương án phòng, chống lụt bão chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão, các ngành và địa phương cần thường xuyên kiểm tra, nắm chắc hiện trạng công trình. Xác định các khu vực trọng điểm xung yếu của hồ đập để xây dựng phương án ứng phó kịp thời, sát với tình hình thực tế của địa phương; chú trọng công tác “4 tại chỗ” chủ động các phương án phòng, chống khi có sự cố xảy ra, nhất là các hồ chứa ách yếu ở xa nơi dân cư, điều kiện ứng cứu khó khăn.