Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, bộ máy y tế được sắp xếp tổ chức tinh gọn, hiệu quả, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, toàn ngành Y tế đã giảm được 36 đơn vị hành chính; nâng cấp Trung tâm Chống Phong - Da liễu Nghệ An thành Bệnh viện Da liễu Nghệ An; giảm 20 trạm y tế tuyến xã và 06 phòng khám đa khoa khu vực. Hiện tuyến tỉnh có 13 bệnh viện, 5 trung tâm y tế; tuyến huyện có 07 bệnh viện đa khoa; 21 trung tâm y tế; 04 bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn; 755 cơ sở y tế loại hình khác; 460 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 94,32% (3.572/3.787) số thôn bản có nhân viên y tế hoạt động.
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Bệnh viện ung bướu Nghệ An, Bệnh viên Y học cổ truyền Nghệ An được mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Trường Đại học Y khoa Vinh đào tạo đội ngũ y bác sỹ có chất lượng. Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc, Bệnh viện Đa khoa Tây Nam và hệ thống các bệnh viện tại các tuyến, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận y tế thuận lợi về mặt địa lý.
So với năm 2017, hệ thống tư nhân tăng thêm 04 bệnh viện đa khoa, 01 bệnh viện chuyên khoa, 06 phòng khám đa khoa, 294 phòng khám chuyên khoa, 51 phòng khám chuyên khoa nội, 29 dịch vụ y tế, 59 phòng chẩn trị y học cổ truyền.
Đội ngũ cán bộ y tế được kiện toàn về số lượng, chất lượng và cơ cấu, nhất là đối với lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ quản lý y tế. Tổng số nhân lực toàn ngành y tế tính đến tháng 4/2022 là 12.635 công chức, viên chức, trong đó có 1.325 công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Trong đó, có 3.039 bác sĩ (3 Phó Giáo sư; 131 tiến sĩ, chuyên khoa 2; 756 thạc sĩ, chuyên khoa 1; 2.152 bác sĩ); 186 dược sĩ (gồm: 12 tiến sĩ, chuyên khoa II; 57 thạc sĩ, chuyên khoa I, 117 đại học)...
Ngành Y tế đã triển khai hiệu quả Đề án "Xây dựng, phát triển y tế kỹ thuật cao để thành phố Vinh trở thành Trung tâm y tế khu vực Bắc Trung Bộ"; Đề án "Xây dựng và phát triển Bệnh viện vệ tinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2025". Các bệnh viện đã chuyển giao các kỹ thuật y học tiên tiến cho các bệnh viện tuyến dưới. Tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến xã, huyện đến tuyến tỉnh giảm rõ nét.
Đến nay, 100% các cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh, huyện, xã đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT, kết nối liên thông dữ liệu với Cổng giám định BHYT, có 3 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử (Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi).
Các bệnh truyền nhiệm được khống chế, không để dịch phát triển và lan rộng, nhất là trong phòng chống dịch COVID-19. Công tác tiêm chủng mở rộng đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trung bình trên 95,4%, phòng uốn ván sơ sinh 91%, 81,9% trẻ sơ sinh 81,9% được tiêm vắc xin viêm gan B...
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã chú trọng phát triển y học cổ truyền. Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại. Các bệnh viện (trung tâm y tế) tuyến tỉnh, tuyến huyện đều có khoa hoặc tổ y học cổ truyền. 100% trạm y tế xã duy trì, sử dụng vườn thuốc nam, có 89 lương y, y sỹ y học cổ truyền làm việc; có 105 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Hội Đông y, Hội Châm cứu phát triển mạnh với hàng ngàn hội viên, đóng góp hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Ngành Y tế đã tham mưu nhiều chính sách nhằm đổi mới và hoàn thiện các chính sách tài chính trong lĩnh vực y tế, tăng tỷ trọng các nguồn tài chính công, giảm dần thanh toán viện phí trực tiếp từ người bệnh. Bảo đảm kinh phí khám chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách. Có sự đầu tư, hợp tác của các tổ chức trong nước và quốc tế. Các loại hình y, dược tư nhân được tạo điều kiện cho hoạt động thuận lợi. Mô hình bệnh viện tự chủ đi vào hoạt động hiệu quả, phát triển nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, có uy tín. Năm 2017 có 07 đơn vị sự nghiệp y tế thực hiện tự chủ chi thường xuyên, đến năm 2021 có 19 đơn vị thực hiện tự chủ (01 đơn vị chi thường xuyên và chi đầu tư, 18 đơn vị tự chủ chi thường xuyên). Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như quản trị doanh nghiệp.