Sát thực tế…
Quy hoạch Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu xây dựng Nghệ An phát triển toàn diện, trở thành tỉnh khá của cả nước; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; là trung tâm về thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, thực sự là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; văn hóa và con người Nghệ An phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước và mang bản sắc xứ Nghệ; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.
Quy hoạch tỉnh Nghệ An đưa ra các định hướng phát triển trọng tâm gồm: 2 khu vực động lực tăng trưởng, 3 đột phá chiến lược, 4 hành lang kinh tế, 5 lĩnh vực trụ cột phát triển, 6 trung tâm đô thị.
Trong đó, hai khu vực động lực tăng trưởng là TP. Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam (mở rộng);
Ba đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Nghệ An.
Bốn hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông (gắn với trục Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển) phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao; Dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; hành lang kinh tế Quốc lộ 7 phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A phát triển lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khai thác và chế biến khoáng sản.
Năm lĩnh vực trụ cột phát triển, bao gồm: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; phát triển du lịch dựa trên 3 trọng tâm: du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao biển; du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Sáu trung tâm đô thị: TP. Vinh mở rộng là trọng tâm; TP. Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu); TP. Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn); Thị xã Diễn Châu; Thị xã Đô Lương; Đô thị sinh thái Con Cuông.
Những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên những phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Nghệ An; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng.
Tạo ra giá trị khác biệt
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, tỉnh Nghệ An vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hạ tầng chiến lược vẫn còn những bất cập. Để khắc phục điểm cốt lõi này tỉnh không thể lãng phí nguồn lực và đầu tư không được dàn trải.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ một số tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Nghệ An. Theo đó, tỉnh được ví như một Việt Nam thu nhỏ có vị trí chiến lược, nhiều tiềm năng, lợi thế với biển, rừng, biên giới, có đầy đủ các loại hình giao thông, kết nối quốc tế.
Vị trí địa lý tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong kết nối, giao lưu kinh tế - xã hội Bắc - Nam của cả nước và Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với nước CHDCND Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; xây dựng và phát triển kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế. Nghệ An có diện tích đất đai rộng lớn, là tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản trên quy mô lớn, tập trung.
Theo Thủ tướng, tỉnh phải thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, trong đột phá về hạ tầng giao thông mà Nghệ An phải làm bằng được đó là: quy hoạch, nâng cấp, mở rộng sân bay Vinh; đầu tư cảng biển nước sâu Cửa Lò; tuyến đường bộ nối từ thị xã Cửa Lò - TP. Vinh đi huyện Nam Đàn - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư 03 dự án này trong năm 2022. Thủ tướng tin tưởng nếu có được các hạ tầng này, sức hút và tăng trưởng của Nghệ An sẽ tăng lên rất nhiều, tỉnh sẽ có đủ điều kiện để phát triển đột phá.
Thời gian qua, đã không ít lần Nghệ An tổ chức những cuộc “trưng cầu” góp ý từ các chuyên gia, nhà hoạch định nhằm ghi nhận sự phản biện xã hội đối với Dự thảo "Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030", tầm nhìn đến năm 2050.
Về điểm nhấn trong quy hoạch Nghệ An đến năm 2030, theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, Nghệ An có thể tạo đột phá về bộ máy công vụ thông qua việc chọn người tài; quy hoạch TP. Vinh tạo kết nối với Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
PGS-TS. Trần Đình Thiên cho rằng, khung định hướng phải định hình rõ được tỉnh Nghệ An 10 năm nữa sẽ phát triển như thế nào trong một thế giới đang chuyển động; nhận diện lại lợi thế và bất lợi thế trên quan điểm hiện đại. Phải biến bất lợi thế về địa lý bằng việc xây dựng Nghệ An thành trung tâm hoặc tăng tính kết nối của Nghệ An với các trung tâm khác.
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An nhận xét: “Cần xác định lĩnh vực, sản phẩm chủ lực mở ra hướng phát triển để định hình, đưa ra chiến lược, phương án phát triển. Nhìn từ công tác quy hoạch, sẽ định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ; hành lang phát triển kinh tế mang tính kết nối, định hướng quy hoạch phát triển”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, Nghệ An đã phối hợp với đơn vị tư vấn và chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung hoàn thiện báo cáo tổng hợp quy hoạch, đồng thời tích hợp 49 quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương vào quy hoạch tỉnh. Quy hoạch tỉnh hiện đang hoàn thiện để trình Hội đồng Thẩm định quy hoạch Quốc gia.
Thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh Nghệ An
Trong Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hạ tầng cần đi trước một bước, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Bởi Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất nước, như một quốc gia thu nhỏ, nhưng nút thắt lớn nhất vẫn là hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông chiến lược như cảng nước sâu và sân bay quốc tế.
Quy hoạch sử dụng đất, đây là điều kiện để tỉnh phát triển. Nghệ An có trên 83% diện tích là đồi núi, diện tích đất đủ để phát triển kinh tế, đặc biệt cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp là không nhiều.
Quy hoạch đô thị là xu hướng phát triển. Mở rộng địa giới hành chính phục vụ phát triển đô thị trong tương lai, tạo liên kết với các đơn vị hành chính. Xác định tỷ lệ đô thị hóa, đây là vấn đề tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Nghệ An trong tương lai./.