Trao đổi với VietNamNet chiều qua (4/5), ông Nguyễn Đình Thế - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nam Đàn cho biết, dịch tả Châu Phi diễn biến phức tạp hơn 1 tháng qua ở các xã Kim Liên, Xuân Lâm và thị trấn Nam Đàn khiến hàng trăm con lợn bị chết.

Thống kê đến nay, trên toàn huyện Nam Đàn có 212 con lợn bị chết. Trong đó, số lượng lợn nái do dân nuôi tự phát trước và sau khi sinh sản chết nhiều.

Theo ông Chu Tự Mạnh, Trưởng xóm Liên Sơn (xã Kim Liên), dịch tả Châu Phi đã khiến nhiều hộ dân nuôi lợn "chết đứng" do bị thiệt hại lớn. Bà con đứng ngồi không yên vì nhiều con lợn nái đang ở thời kỳ chuẩn bị sinh sản bỗng dưng lăn ra chết...

1-1651711427.jpg
Rất nhiều lợn nái bị chết trong đợt dịch lần này - Ảnh: Lê Tú

Hộ bà Trần Thị Nghi (xóm Liên Sơn) thông tin, vì dịch tả Châu Phi khiến con lợn nái bị chết sau khi sinh ra 7 con heo nhỏ. Đàn lợn con không có sữa mẹ nên cũng bị chết hết.

"Hầu như những nhà nuôi lợn trong xóm cũng đều bị thiệt hại do dịch tả Châu Phi. Có nhà lợn chết từ 2 đến 3 con, khiến nhiều gia đình ở nông thôn rơi vào tình cảnh khốn đốn chồng chất” – bà Nghi chia sẻ.

Theo bà Nghi, lợn mẹ và lợn con cùng chết đã khiến cho gia đình thiệt hại khoảng trên 10 triệu đồng. Mong chính quyền các cấp sớm hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

2-1651711457.jpg
Đàn lợn đang bị dịch tả Châu Phi hoành hành - Ảnh: Quốc Huy

Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên (huyện Nam Đàn) Trần Khắc Nghĩa cho biết, toàn xã đến nay có 142 con lợn bị chết do dịch tả Châu Phi gây ra, trong đó có 47 con lợn nái (lợn mẹ).

“Các xóm có số lượng lợn bị chết nhiều nhất gồm: Hồng Sơn, Liên Sơn, Đại Đồng, Liên Minh và Sen 1. Số lượng lợn nái bị chết chủ yếu đang trong thời kỳ mang thai và sau sinh một thời gian ngắn. Khi lợn mẹ bị chết thì lợn con cũng chết theo rất nhiều” – ông Nghĩa cho hay.

Lãnh đạo xã Kim Liên cho biết, những xóm có dịch tả Châu Phi xuất hiện thì cấp thuốc đến từng hộ dân phun khử trùng. Đợt dịch lần này mạnh hơn so với những đợt trước rất nhiều...

“Chính quyền địa phương khuyến cáo các hộ dân không nên đi lại nhiều vì dễ lây lan dịch bệnh. Dịch tả lần này lây lan nhanh như dịch Covid-19, nếu không có vắc xin sớm thì người dân thiệt hại rất lớn.

Bà con nông dân ở quê nuôi được con lợn để bán hết sức vất vả. Nhiều gia đình khó khăn nuôi 1 đến 2 năm mới được con lợn, giờ lợn chết nhìn vào mà chảy nước mắt…” – ông Nghĩa chia sẻ.

Ông Nghĩa dẫn hoàn cảnh gia đình bà Trần Thị Hương ở xóm Liên Sơn, có con lợn nái nặng hơn 200kg chuẩn bị sinh con thì không may bị chết. Gia cảnh nhà bà Hương rất khó khăn.

3-1651711484.jpg
Gia cảnh nhà bà Trần Thị Hương hết sức khó khăn - Ảnh: Ngô Kiên
4-1651711493.jpg
Con lợn nhà bà Hương nặng hơn 200kg đưa đi tiêu huỷ...
5-1651711505.jpg
Hàng loạt xác lợn được đưa ra xa nguồn nước để chôn lấp - Ảnh: Lê Tú
6-1651711530.jpg
Con lợn là tài sản lớn của nhiều hộ gia đình nông thôn...
7-1651711544.jpg
Hàng trăm con lợn được chôn lấp trong đợt dịch tả Châu Phi lần này - Ảnh: Lê Tú