bna-lonj-32226329-1242022-1649739309.jpg
Từ đầu tháng 2 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát tại nhiều địa phương của Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Những ngày này, trên hệ thống loa truyền thanh của xã Nam Thành (Yên Thành) thường xuyên phát thông báo về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã. Theo đó, từ đầu tháng 2 đến nay, xã Nam Thành đã tiêu hủy hơn 1.500 kg lợn hơi bị nhiễm dịch, chủ yếu ở 2 xóm Tây Hồ và Hợp Thành.

Ông Hoàng Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Nam Thành cho biết: Tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên địa bàn xã trong thời gian gần đây là khá nhiều, tuy nhiên mức độ dịch chỉ xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nguyên nhân bệnh dịch này tái phát là do bà con mua con giống để tái đàn không rõ nguồn gốc; việc giết mổ chung đụng lợn vẫn còn diễn ra tại các khu dân cư...

"Những ngày qua, địa phương phát hiện khá nhiều lợn chết do người dân vứt trên các trục đường giáp với các các xã Khánh Thành, Long Thành và Lý Thành, xã đã tổ chức tiêu hủy theo quy định. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên địa bàn, địa phương đang lo ngại", ông Hoàng Văn Sâm cho hay.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 21 xã: Đồng, Công, Liên, Xuân, Khánh, Lý, Văn, Nam, Minh, Trung, Vĩnh, Tây, Long, Phúc, Lăng, Đại, Tăng, Bắc, Thịnh, Đức và Tiến Thành. Tổng số lợn đã tiêu hủy trong đợt này là hơn 39.000 kg.

bna-phun-hoa-chat-anh-xuan-hoang6593956-1242022-1649739334.jpg
Người dân cần thực hiện các giải pháp chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó phun hóa chất khử trùng là cần thiết. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát tại 5 huyện của Nghệ An là Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quế Phong. Tuy nhiên, dịch chỉ xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Nguyên nhân bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát là do thời gian sau Tết bà con tái đàn nhưng con giống không được sạch bệnh, không rõ nguồn gốc, việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chưa đảm bảo, trong quá trình nuôi sử dụng nguồn nước kênh mương để vệ sinh chuồng trại... là mầm mống của dịch bệnh lây lan. Vì vậy, bà con cần mua con giống đảm bảo sạch bệnh, trước khi thả con giống, cần sử dụng vôi quét lên mặt tường và phun hóa chất khử trùng trong và ngoài khu vực chuồng trại; thức ăn cho lợn hàng ngày cũng cần nấu chín...

"Hiện nay các địa phương đang triển khai tiêm phòng vắc-xin vụ Xuân đối với các loại bệnh cho đàn vật nuôi. Vì vậy, bà con cần tiêm phòng đàn lợn nói riêng, đàn vật nuôi nói chung để đảm bảo sức khỏe, có sức đề kháng với dịch bệnh", ông Ngô Đức Quỳnh khuyến cáo./.