Ngày 11/5, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, địa phương này vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 85 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hồng Trường. Công ty này là chủ của mỏ đá ở bản Kim Đa (xã Phà Đánh), nổ mìn làm hàng chục ngôi nhà hư hỏng và 2 người bị thương mà Báo Nghệ An có bài phản ánh hồi đầu tháng 4.
Quyết định xử phạt dựa trên biên bản do Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng, Sở Công Thương và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lập. Theo đó, đoàn kiểm tra xác định mỏ đá này có 3 lỗi vi phạm.
"Lỗi thứ nhất là sử dụng vật liệu nổ không đảm bảo an toàn. Thứ hai là phương án khai thác không đúng với thiết kế đã được phê duyệt. Lỗi vi phạm còn lại của mỏ đá là không có trạm cân", ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương nói.
Về phương án lâu dài, ngoài việc yêu cầu chủ mỏ đá tuân thủ các quy định, để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Kỳ Sơn đã đề nghị UBND xã Phà Đánh làm tờ trình để xin chủ trương di dời 20 hộ dân sống cạnh mỏ đá đến nơi ở mới.
Trước đó, như Báo Nghệ An đã phản ánh, chiều 3/4, Công ty TNHH Hồng Trường nổ mìn khai thác đá như thường lệ. Tuy nhiên, vụ nổ mìn đã khiến đá văng hàng trăm mét, làm 2 người bị thương và 23 ngôi nhà cùng nhiều đồ đạc, vật dụng trong nhà bị hư hỏng.
Sau đó, phía mỏ đá đã khắc phục bằng cách mua các tấm fibro về để lợp mới cho các hộ dân. Ngoài ra, mỏ đã còn hỗ trợ mỗi gia đình bị thiệt hại một con gà để làm vía theo đúng với phong tục địa phương mỗi lần sửa nhà.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Hồng Trường được cấp phép khai thác đá tại đây từ năm 2004. Khu vực mỏ đá của công ty này cách nhà dân gần nhất chỉ chừng 200m. Tuy nhiên, vụ nổ mìn này đã khiến những tảng đá lớn, nhỏ văng xa gần 400m. Ngoài ra, đây cũng không phải lần đầu công ty này nổ mìn khiến đá văng xuống bản Kim Đa.
Không chỉ bị uy hiếp bởi những vụ nổ mìn, người dân ở đây cũng phải hứng chịu bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn từ mỏ đá. Chưa kể, những đợt mưa lớn, đá mịn từ khu vực mỏ đá chảy tràn xuống rẫy của người dân bên cạnh, khiến họ không thể sản xuất được. Theo lãnh đạo xã Phà Đánh, từ nhiều năm nay, trong hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh bức xúc về những tình trạng này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải quyết được./.