Thấp thỏm vì mỏ đá
Vừa trở về từ bệnh viện, chị Cụt Thị Anh (37 tuổi, bản Kim Đa, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn), vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ nổ mìn ở mỏ đá vài ngày trước. Chị Anh là 1 trong 2 người bị thương trong vụ việc lần này. Vén áo, chỉ tay vào những vết bầm tím, vết xây xước khắp cơ thể, chị Anh nói rằng, hiện nay các vết thương vẫn rất đau nhức, chưa thể đi lại bình thường được. Trong khi đó, bàn chân của chị cũng sưng vù.
Chị Anh kể, như thường lệ, chiều tối 3/4, sau khi ăn cơm xong, chị ngồi trước hiên nhà cùng hàng xóm nhìn xe cộ qua lại trên quốc lộ 16. Lúc này, một tiếng nổ lớn phát ra từ mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường - cách nhà chị Anh hơn 300m. Tiếng nổ không làm chị Anh và hàng xóm bất ngờ, bởi sống cạnh mỏ đá, họ đã phải quen thuộc với cảnh này từ lâu. Tuy nhiên, lần này sau tiếng nổ lớn là tiếng những viên đá lớn nhỏ ào ào bay xuống bản Kim Đa. “Tôi bị 6 viên đá bắn thủng mái nhà văng trúng người. Ngay lập tức tôi tháo chạy vào nhà trốn, rồi được đưa đi bệnh viện. Nó như một trận tập kích vậy. Không ai chạy kịp”, chị Anh nói.
Cách nhà chị Anh không xa, bà Ven Thị Thương (55 tuổi), đến nay cũng chưa đi lại bình thường được. Gắng gượng lắm, bà cũng chỉ có thể cà nhắc đi quanh nhà. “Đau lắm chú ạ. Cũng may là đá văng không trúng đầu và chỉ là nhưng viên đá cỡ nhỏ”, bà Thương nói, chỉ tay vào những vết bầm tím, trầy xước trên bắp chân. Không chỉ bị thương, ngôi nhà của vợ chồng chị cũng vị hư hỏng nặng sau vụ nổ mìn. Hàng loạt tấm fibro bị đá bắn thủng. Cạnh đó, nhà con gái của bà Thương còn nghiêm trọng hơn, với gần một nửa mái nhà sẽ phải thay lại. “Lúc đó, cháu gái mới 12 tuổi của tôi đang nằm ngủ trên giường cũng bị đá bắn xuyên mái nhà, văng vào người. Cũng may lúc đó nó đang đắp chăn nên không bị thương”, bà Thương nói thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nghệ An, 2 ngày sau vụ nổ mìn này, hàng loạt viên đá, tảng đá lớn nhỏ vẫn còn nằm ngổn ngang khắp các ngã đường, ngóc ngách của bản Kim Đa. Có những tảng đá có đường kính khoảng 70cm, rơi xuống bản tạo thành những hố sâu hoắm.
Tại nhà của anh Moong Văn Nguyệt, một tảng đá lớn đã phá hỏng một góc nhà, sau đó tảng đá này còn văng xuống nhà anh Nhang Văn Anh ở dưới chân núi, cũng làm hư hỏng nặng phần nóc được lợp bằng ngói. Cũng may, cả gia đình anh Anh đã đi làm ăn xa, không ai có ở nhà.
Anh Ven Văn Tình (40 tuổi), cho biết, lúc xảy ra tai nạn, may mắn cả nhà anh cũng đi rẫy chưa về. Khi anh trở về thì phát hiện một tảng đá bắn thủng mái nhà, làm hư hỏng xe máy. Cách nhà anh Tình vài mét, cũng có một tảng đá khác đường kính gần 50cm, nặng khoảng 30kg rơi xuống, xới tan một khoảnh đất khá rộng.
Khi chúng tôi có mặt tại đây, phía Công ty TNHH Hồng Trường đang cho công nhân mang những tấm fibro đến lợp lại cho người dân. Theo ước tính, có khoảng 150 tấm fibro phải thay mới. “Sau khi thay mới những tấm fibro bị hư hỏng, phía công ty họ đền bù cho mỗi nhà một con gà. Con gà này là để cúng theo tập tục của người Khơ Mú mỗi lần sửa nhà”, anh Tình nói thêm.
Cần đảm bảo an toàn cho người dân
Theo báo cáo của UBND xã Phà Đánh, Công ty TNHH Hồng Trường chuyên sản xuất và khai thác đá. Sau khi nhận được tin báo thì UBND xã đã thành lập đoàn xuống tại hiện trường phối hợp với Ban quản lý bản cùng người dân bản Kim Đa để làm công tác tư tưởng cho người dân. “Ngoài việc hỗ trợ người bị thương đi bệnh viện, chúng tôi cũng phải trấn an người dân để tránh nguy cơ xô xát giữa người dân địa phương và người của công ty. Cũng như vận động người dân yên tâm ở tại nhà, không bỏ đi nơi khác”, một lãnh đạo xã Phà Đánh nói.
Qua thống kê của xã Phà Đánh, có 23 nhà dân bị ảnh hưởng, hư hỏng như bể tấm fibro xi măng, ngói, gãy đường xà, tấm ván. Vụ việc cũng khiến 2 người bị thương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Hồng Trường được cấp phép khai thác đá tại đây từ năm 2004. Cạnh đó còn có một mỏ đá của một doanh nghiệp khác. Khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường cách nhà dân gần nhất chỉ chừng 200m. Tuy nhiên, vụ nổ mìn này đã khiến những tảng đá lớn, nhỏ văng xa gần 400m. Ngoài ra, đây cũng không phải lần đầu công ty này nổ mìn khiến đá văng xuống bản Kim Đa. “Trước đây nhiều lần lắm rồi. Nhưng đây là lần nghiêm trọng nhất”, ông Ven Văn Bún (55 tuổi), nói.
Không chỉ bị uy hiếp bởi những vụ nổ mìn, người dân ở đây cũng phải hứng chịu bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn từ mỏ đá. Chưa kể, những đợt mưa lớn, đá mịn từ khu vực mỏ đá chảy tràn xuống rẫy của người dân bên cạnh, khiến họ không thể sản xuất được. Theo lãnh đạo xã Phà Đánh, từ nhiều năm nay, trong hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh bức xúc về những tình trạng này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Ông Lê Hồng Nhi – Giám đốc Công ty TNHH Hồng Trường, việc công ty nổ mìn khiến đá văng xuống bản Kim Đa chỉ là một tai nạn. “Đây chỉ là lỗi kỹ thuật, do anh em công nhân lúc nổ mìn khoan mỏng quá. Sau khi xảy ra vụ việc, chúng tôi đã phối hợp với địa phương khắc phục các thiệt hại”, ông Nhi nói và cho rằng, tình trạng bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn mà người dân than phiền là không thể tránh khỏi khi sống gần mỏ đá.
Theo lãnh đạo xã Phà Đánh, sau khi xảy ra vụ việc, địa phương đã yêu cầu công ty trước mắt phải khắc phục những tổn thất của người dân cụ thể là nhà dân bị ảnh hưởng nhẹ như bể fibro xi măng, ngói. Còn những nhà bị ảnh hưởng nặng thì công ty đã tự thương lượng với chủ nhà hứa sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất. Theo ước tính của UBND xã Phà Đánh, tổng thiệt hại tài sản, hoa màu, vật chất lẫn tinh thần của nhân dân bản Kim Đa do Công ty TNHH Hồng Trường nổ mìn gây ra khoảng 120 triệu đồng. Chính quyền xã Phà Đánh cũng đề nghị cơ quan chức năng các cấp chỉ đạo Công ty TNHH Hồng Trường có phương án khoan nổ mìn đảm bảo an toàn cho khu dân cư cũng như nhân dân bản Kim Đa. Hoặc phải tính đến phương án di dời người dân ra khỏi khu vực này.