tinh-hinh-1646967841.jpg
Cán bộ Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thăm hỏi, tìm hiểu đời sống công nhân tại khu nhà trọ KCN Bắc Vinh, Nghệ An. Ảnh: MN

Công nhân chật vật vẫn không đủ chi tiêu

Dịp đầu tháng 3, tại Khu công nghiệp (KCN) Nam Cấm, tôi gặp gia đình vợ chồng công nhân Nguyễn Văn Thắng nuôi 2 con nhỏ, cả nhà 4 người thuê một phòng trọ rộng hơn chục mét vuông giá 1,3 triệu đồng/tháng, vô cùng chật chội. 

Anh Thắng chia sẻ: “Nhà tôi thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng, tính cả làm công thêm của cả 2 vợ chồng, riêng tiền nuôi hai đứa con (một đứa 7 tuổi, một đứa 2 tuổi) phải chi tới 5-7 triệu đồng. Thu nhập chi cho sinh hoạt là hết tiền lương, không còn cất dành, nếu không may một người bị ốm đau thì chỉ có vay mượn”.

Ông Nguyễn Văn Tứ (50 tuổi, quê Tương Dương) và đứa cháu nhỏ mới 8 tháng tuổi loay hoay trong khu nhà trọ ở gần KCN Bắc Vinh chia sẻ: “Mẹ cháu đi làm, bà sức khoẻ yếu nên tôi là ông ngoại phải đến trông cháu. Công nhân lương thấp, do nuôi con nhỏ không làm thêm được nên thu nhập được khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Số tiền đó dùng cho 3 người nên rất chật vật, thỉnh thoảng tôi phải về quê lấy gạo, mang ít rau mang xuống”.

Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ nhà trọ đường Đặng Thai Mai, KCN Bắc Vinh cho biết: "Công nhân ở trọ chi tiêu dè dặt mới đủ sống, nhiều trường hợp sau khi sinh con, không có chỗ gửi trẻ nên về quê nuôi con nhỏ. Hàng ngày họ làm thêm mệt nên về phòng là lăn ra ngủ”.

Một công nhân làm việc tại Bình Dương trở về quê Nghệ An trong đợt dịch năm 2021 chia sẻ: “Tôi vừa vào làm việc trong một công ty được 3 ngày là nghỉ. Thu nhập bình quân của người lao động tại Nghệ An vẫn còn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước từ 3 đến 5 triệu đồng, trong khi giá tiêu dùng, sinh hoạt phí của Nghệ An lại cao  hơn.

Ví dụ ở Bình Dương phở 15.000đ, về Nghệ An 25.000đ – 30.000đ/bát, tiền thuê trọ cũng đắt hơn. Tôi sẽ đi tìm nơi thu nhập tốt hơn, có khả năng quay lại miền Nam”.

tang-qua-1646967870.jpg
Lãnh đạo Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam thăm hỏi, tặng quà cho con công nhân tại khu nhà trọ KCN Bắc Vinh. Ảnh: HT

Bất cập lương tối thiểu vùng

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID nên 2 năm nay Chính phủ không qui định tăng lương tối thiểu vùng, trong khi giá nhiều mặt hàng vẫn tăng và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Theo Nghị định 90/2019, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến nay đang áp dụng: vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.

kha-tam-1646967898.jpg
Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An, Công đoàn KKT Đông Nam và Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam làm việc với doanh nghiệp về tiền lương, bữa ăn ca cho công nhân. Ảnh: HT

Giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày như gạo, gas, thịt, cá, trứng, sữa… giữa các vùng chênh lệch rất ít nhưng tiền lương tối thiểu giữa vùng 1 và vùng 4 chênh nhau đến 1.350.000đ dẫn đến công nhân thuộc vùng 3, 4 thu nhập quá thấp, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và Lao động, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết: “Nghệ An thuộc vùng 3, vùng 4. Doanh nghiệp trả lương không thấp hơn mức tối thiểu vùng, nhưng nhìn chung lương còn thấp. Các doanh nghiệp cho rằng họ cũng gặp nhiều khó khăn do dịch COVID, sản xuất đình trệ, chi phí phòng dịch tốn kém nên chưa thể tăng lương”.

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An hiện có 132 doanh nghiệp, tổng số lao động 34.000 người. 70% doanh nghiệp trả lương theo lương tối thiểu vùng, 30% doanh nghiệp trả cao hơn lương tối thiểu vùng từ 100.000 – 600.000đ/tháng, ngoài ra các doanh nghiệp trả thêm các loại phụ cấp chuyên cần, thâm niên, phụ cấp xăng xe, nhà ở….

Tổng thu nhập bình quân gồm lương và các phụ cấp chưa tính làm thêm từ 4,4 đến 5 triệu đồng. Tổng thu nhập bình quân bao gồm cả làm thêm từ 5 – 7,5 triệu đồng. 

Lương thấp, công nhân không “mặn mà” làm việc

Hiện nay, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam chỉ đạt 50-65%. Dịch bệnh bùng phát, công nhân nghỉ việc, đi nơi khác tìm việc hoặc chuyển làm việc khác như đi làm thợ xây, phụ hồ, bán hàng, xuất khẩu lao động...

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và Lao động, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho hay:  “Khu kinh tế Đông Nam trước mắt cần thu hút khoảng 10.000 lao động đáp ứng sản xuất cho các đơn hàng đã đặt; trong năm 2022 cần thu hút hơn 20.000 lao động; từ nay đến năm 2025 cần thu hút thêm khoảng 60.000 người – 70.000 người. Đây là bài toán rất khó nếu không có cải cách tiền lương tối thiểu từ Nhà nước và chính sách cải thiện thu nhập cho lao động từ doanh nghiệp”.

Ông Vương An Nguyên – Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ: “Qua nắm bắt nguyện vọng đa số công nhân các khu công nghiệp, họ muốn được Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng.

Đề nghị Chính phủ, Hội đồng Tiền lương Quốc gia và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành chính sách nâng lương tối thiểu của tất cả các vùng và đặc biệt cần chỉnh sửa lương tối thiểu vùng 3, 4 theo giá tiêu dùng thực tế để đảm bảo an sinh cho công nhân, thu hút nguồn nhân và phòng ngừa các vấn đề bức xúc, phát sinh tranh chấp lao động, ngừng việc”./.