anh-bai-duoi-1646884546.jpg
Hàng trăm hộ dân nhận khoán đất mong muốn giải thể Nông trường Xuân Thành.

Dân đề nghị giải thể

Như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, hàng trăm hộ dân nhận khoán đất của Nông trường Xuân Thành (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) liên tục “kêu cứu” vì bị chủ đất ép trồng chè. Đây là loại cây chi phí đầu tư cao, giá cả bấp bênh, đầu ra thấp.

Thay vào đó, họ muốn trồng mía, hoa màu với chi phí bằng 1/5 trồng chè, sau 1 năm là có thu hoạch, giá cao, đầu ra tốt. Tuy nhiên, những mong mỏi của người dân nơi đây đã không được Nông trường Xuân Thành đồng ý. Bằng việc, nếu người dân không trồng chè theo quy hoạch sẽ bị lập biên bản xử phạt, thậm chí thu hồi đất.

Một vấn đề khác mà người dân nhận khoán của Nông trường Xuân Thành cũng bức xúc không kém chính là hầu như nông trường này để dân “tự bơi”, khoán trắng, không hỗ trợ từ phân bón, giống cây, kỹ thuật. Bởi vậy, người dân nhiều lần đã đề nghị và mong muốn nông trường giải thể để họ được nhận đất trực tiếp từ chính quyền địa phương.

Để chứng minh cho việc người dân “tự bơi” trong suốt nhiều năm liền, ông Cao Ngọc Danh - xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp chỉ cho chúng tôi tuyến đường điện mà gia đình ông và hàng chục gia đình khác tự bỏ chi phí (mỗi gia đình phải bỏ từ 40-70 triệu đồng) để kéo dây về tận nơi, phục vụ sản xuất.

Ông Danh khẳng định: “Ngoài phân, giống… các hạ tầng khác chúng tôi cũng phải tự làm. Năm vừa qua, dù khó khăn do Covid-19, giá cam rớt thảm, nhưng chúng tôi vẫn phải chi ra mỗi hộ 70 triệu đồng để hoàn thành tuyến đường điện phục vụ canh tác. Nông trường không hề hỗ trợ”.

Bởi vậy, theo người dân nếu nông trường không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình thì nên giải thể, trả lại đất cho Nhà nước quản lý, giao cho người dân sử dụng.

Liệu có khả thi?

Trước những thắc mắc của người dân, qua trao đổi ông Lê Viết Minh - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Nông trường Xuân Thành cho biết: Trong tổng số hơn 1,7 nghìn héc ta do đơn vị quản lý, hầu như giao hết cho dân nhận khoán.

“Chúng tôi giao khoán cho dân hết” - ông Minh cho biết. Khi được hỏi, nếu chiếu theo Nghị định 118/2014 tháng 12/2014 như vậy có đúng với quy định? Ông Minh cho biết, vấn đề này cũng đã được tỉnh chỉ đạo nhiều lần, tuy nhiên để chuyển đổi mô hình cổ phần hóa thì đến nay đơn vị vẫn chưa làm được.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết”: Tỉnh đang triển khai kế hoạch sắp xếp lại Nông trường Xuân Thành theo Nghị định 118/2020. Việc người dân muốn giải thể nông trường để thoát khỏi gánh nặng đóng góp, ông Lê Ngọc Hoa cho hay: Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang trong quá trình triển khai việc đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp theo lộ trình của Chính phủ.

Theo Điều 7 Nghị định 118/2014/NĐ-CP về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, quy định: “Giải thể công ty nông nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau: Kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp vì lý do chủ quan của công ty và có số lỗ lũy kế bằng 3/4 vốn Nhà nước tại công ty trở lên; khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm trên diện tích chiếm từ 3/4 tổng diện tích đất công ty được giao, thuê…”.

Đối chiếu những gì người dân phản ánh và nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định công ty nông nghiệp khoán trắng cho người dân từ 3/4 tổng diện tích đất trở lên thì sẽ xem xét giải thể đơn vị này, trả đất về cho địa phương quản lý./.