Sáng đến dọn dẹp, tối về đưa nhau đi ở nhờ
Dọn dẹp nhiều ngày, ông Vi Văn Kỷ (50 tuổi), trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nằm mệt nhoài trong ngôi nhà ngổn ngang bùn đất và mảnh vỡ do cơn lũ gây ra.
Nhà ông Kỷ nằm bên bờ suối, may mắn không bị cuốn trôi, song đã xiêu vẹo, có nguy cơ đổ sập. Tài sản bên trong hầu hết đã bị cuốn trôi, số ít còn lại bị đất đá vùi lấp. “Không biết dọn từ đâu nữa, nhìn đống hoang tàn mà buồn quá”, ông Kỷ tâm sự.
Dù vậy, gia đình của ông Kỷ vẫn là trường hợp may mắn khi vẫn có ngôi nhà để xây dựng lại. Gia đình chị Vi Thị Thương (45 tuổi, trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) chỉ biết gào khóc khi căn nhà cấp 4 kiên cố của hai mẹ con nay chỉ còn lại phòng ngủ ngập đầy bùn đất, cây cối. Cơn lũ đã cuốn bay phòng khách và mọi tài sản trong gia đình.
Với chị Thương, điều cần nhất lúc này không chỉ là nước sạch, bếp gas, gạo, mắm muối hay tấm chăn, quần áo mà còn là ước mơ về một căn nhà kiên cố làm nơi trú ngụ cho người mẹ đơn thân và cô con gái tuổi ăn, tuổi học.
May mắn, những ngày nay, chị được hàng xóm và các lực lượng hỗ trợ ăn uống. Tuy nhiên, một ngày, hai ngày còn được, còn một tuần, hai tuần sau thì chị không biết làm cách nào tiếp tục nuôi con ăn học, xây lại nhà mới thế nào, khi tài sản duy nhất còn lại sau thiên tai chỉ là một chiếc xe gắn máy.
Ông Vi Văn Mằn, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết, trận lũ quét vừa qua khiến 55 nhà sập hoàn toàn, 30 nhà hư hỏng nặng, 69 nhà khác bị sạt lở, ngập trong bùn đất.
“Xã đã thành lập ban mặt trận, ứng cứu, hỗ trợ người dân ngày mưa lũ. Nhiều đoàn thiện nguyện đã về cung cấp mỳ tôm, trứng, nước uống và nhiều thức ăn nhanh nên bà con đã đỡ vất vả hơn. Bây giờ, cần nhất là nước sạch và kinh phí để mua sắm lại đồ đạc, vật nuôi... đã bị lũ cuốn trôi”, ông Mằn nói.
Chủ tịch xã Tà Cạ cho biết, toàn xã có 1.154 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu. Đợt mưa lũ vừa qua đã ảnh hưởng đến hơn 300 hộ dân, chủ yếu ở các bản Bình Sơn 1, Bình Sơn 2, Sơn Hà và Hòa Sơn.
Trong đó, có khoảng 220 hộ có nhà bị cuốn trôi, hư hỏng nặng và ở vùng nguy hiểm. Về lâu dài người dân cần sự hỗ trợ đến các khu tái định cư, nơi ở mới an toàn để yên tâm sinh sống.
265 ngôi nhà ở huyện Kỳ Sơn phải di dời khẩn cấp
Thống kê từ UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, toàn huyện có một người tử vong, 615 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 265 ngôi nhà buộc phải di dời khẩn cấp do lũ tàn phá gây hư hỏng hoàn toàn hoặc nguy cơ sạt lở núi đe dọa.
Trong số 265 nhà, xã Tà Cạ có 218 nhà; xã Phà Đánh 2 nhà; xã Nậm Cắn 17 nhà; khối 4 thị trấn Mường Xén 28 nhà. Một tuần sau khi trận lũ quét xảy ra, cả hệ thống chính trị huyện Kỳ Sơn và các đơn vị vũ trang đang tập trung lực lượng để giúp dân khắc phục hậu quả. Cùng với việc vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp môi trường sau lũ, một lực lượng lớn nhân lực tập trung giúp các hộ gia đình nằm trong diện bị sạt lở đất đe dọa tháo dỡ nhà cửa chờ tái định cư nơi khác.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Một trong những vấn đề cấp bách trước mắt là đảm bảo lương thực, thực phẩm, chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình bị thiệt hại, buộc phải di dời nhà cửa. Song song với việc khắc phục hậu quả, lo công tác an sinh xã hội, huyện đang gấp rút khảo sát vị trí tái định cư cho người dân”.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, đến thời điểm này, với sự chung tay của các cá nhân, đơn vị, tổ chức thiện nguyện giúp đỡ vấn đề lương thực, thực phẩm cho người dân bị thiệt hại đã bước đầu được giải quyết.
Đối với trên 200 hộ dân bị trôi, sập, hư hỏng nhà cửa, chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng để làm nhà tạm, đồng thời các lực lượng chức năng sẵn sàng hỗ trợ bà con làm nơi ở tạm. Mặt khác, huyện cũng đã bố trí các đầu mối để hướng dẫn, điều tiết các nguồn hỗ trợ để làm sao sự giúp đỡ đến với bà con một cách hiệu quả, thiết thực nhất, công bằng nhất; đồng thời huyện đã giao và chịu trách nhiệm trong vấn đề điều tiết nguồn hàng cứu trợ.
Hiện nay, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đang duy trì trên 550 cán bộ, chiến sĩ, bám địa bàn huyện Kỳ Sơn giúp dân khắc phục hậu quả. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đang khắc phục mọi khó khăn về địa hình, thời tiết để triển khai nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất. Cùng với công tác khắc phục hậu quả, các đơn vị vũ trang cũng cử quân y bám địa bàn đảm bảo sức khỏe nhân dân, phòng trừ dịch bệnh./.