
-“Sáng 4/4, trường Tiểu học Xuân Thành (Yên Thành-Nghệ An) đã tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch). Đây là hoạt động vừa để ôn lại lịch sử, vừa để tưởng nhớ về các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, đồng thời nhằm giáo dục học sinh hướng về cội nguồn dân tộc. Về dự có lãnh đạo phòng GD ĐT huyện, lãnh đạo địa phương xã Xuân Thành, đại diện hội cha mẹ học sinh, các thầy cô và toàn thể học sinh”. Tưởng rằng hay, nhưng việc làm trên là sai, quá sai, cụ thể:
Trường Tiểu học Xuân Thành tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một hoạt động vượt quá chức năng, nhiệm vụ của một cơ sở giáo dục phổ thông, không đúng quy định, mang nhiều yếu tố hình thức, phô trương, thậm chí có thể xem là lãng phí và phản giáo dục nếu xét trong bối cảnh sư phạm.

-Trước hết, giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ quốc lễ, có nghi thức và không gian thiêng liêng riêng, do Nhà nước tổ chức tại các di tích trọng điểm như Đền Hùng (Phú Thọ), hoặc một số nơi có liên quan lịch sử - văn hóa rõ ràng. Việc một trường tiểu học tự tổ chức lễ giỗ, có dâng lễ vật, trống tế, tuồng cổ... là hành vi lạm dụng nghi lễ quốc gia, không những không đúng thẩm quyền mà còn làm loãng ý nghĩa thiêng liêng của ngày lễ.
-Nếu lấy lý do “giáo dục truyền thống” để biện minh cho hành vi này, thì thử hỏi: sắp tới có giỗ, sinh nhật Bác Hồ, giỗ Trần Hưng Đạo, giỗ Quang Trung, ngày thành lập Đảng, Công an nhân dân, ngày chiến thắng 30/4, 2/9… liệu nhà trường có tổ chức hết không? Thời gian đâu cho việc học? Kinh phí đâu cho hoạt động giáo dục?
-Hơn nữa, huy động học sinh tham gia hoạt động rườm rà, biểu diễn, trò chơi, dâng lễ... mang tính mô phỏng tín ngưỡng là việc không phù hợp với lứa tuổi, dễ gây lệch chuẩn về nhận thức văn hóa – lịch sử. Đây rõ ràng là một kiểu làm màu, phông bạt, chạy theo phong trào, thậm chí là "lấy lòng" lãnh đạo địa phương một cách vụ lợi.
-Sự có mặt của lãnh đạo Phòng Giáo dục và chính quyền xã không thể là cơ sở để hợp pháp hóa một hoạt động sai chức năng như vậy. Ngược lại, điều này càng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm giám sát, quản lý của các cấp đối với hoạt động giáo dục địa phương.

-Đáng lo ngại hơn, hoạt động này lại được tổ chức ngay trong giờ hành chính, giờ học bình thường của học sinh, càng cho thấy rõ sự thiếu nghiêm túc, thiếu trọng tâm trong quản lý giáo dục của nhà trường.
-Thay vì tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy, phát triển kỹ năng, phẩm chất cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Trường Tiểu học Xuân Thành lại dành thời gian quý báu để tổ chức một nghi lễ không thuộc chức năng, vừa gây xáo trộn thời khóa biểu học tập, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, vừa làm gián đoạn hoạt động hành chính của cán bộ, giáo viên. Nếu không chấn chỉnh, toàn huyện, toàn tỉnh, cả nước cũng sẽ làm theo, không loạn mới là lạ.
-Thử hỏi, với hàng loạt công việc chuyên môn cần thực hiện mỗi ngày – từ giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, sinh hoạt chuyên môn, cho đến công tác phối hợp với phụ huynh – thì việc dành cả buổi sáng cho một lễ giỗ hình thức, mô phỏng nghi lễ quốc gia liệu có còn phù hợp? Liệu đây có phải là biểu hiện của tư duy hành chính hóa trong giáo dục, chuộng hình thức, chạy theo thành tích mà bỏ quên chất lượng thực chất?
-Việc học sinh bị “huy động” để đứng lễ, dâng hương, xem trống tế, tuồng cổ, làm bánh… trong khung giờ lẽ ra các em phải được học kiến thức và rèn kỹ năng, là một dấu hiệu rõ ràng của sự lệch hướng giáo dục. Dù nhân danh truyền thống, lòng yêu nước hay giáo dục đạo lý, thì mọi hoạt động trong nhà trường cũng phải dựa trên nguyên tắc: đúng chức năng, đúng thời điểm và phục vụ mục tiêu giáo dục trung tâm.
- Vì vậy, cần nghiêm túc chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Thành và các cá nhân liên quan. Không thể để môi trường giáo dục trở thành nơi tổ chức các sự kiện mang tính lễ nghi nhà nước một cách tùy tiện, gây lãng phí thời gian, ngân sách và ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn.
Cre Trần Quang Đại
Trở thành người bình luận đầu tiên