Qua kiểm tra thực tế, thống kê, đánh giá sơ bộ thiệt hại tại các đơn vị sản xuất của Công ty, diện tích vườn cây bị nước ngập sâu (có nơi cây bị ngập nước sâu trên 2,5m) là 296,6 ha, trong đó vườn cây cao su kinh doanh 238,5 ha, vườn cây kiến thiết cơ bản (KTCB) 58,1 ha.

Trong tổng diện tích 1.516,14 ha khai thác có 8.621 cây cạo bị ảnh hưởng ngập nước; Số cây bị sạt lở, bật gốc, gãy đổ không thể khắc phục được 7.247 cây; Số cây bị ảnh hưởng có thể khắc phục được 1.374 cây.

Đối với vườn cây KTCB: 9.011cây bị ảnh hưởng, trong đó: Số cây bị sạt lở, bật gốc, gãy đổ không thể khắc phục được 8.618 cây; Số cây bị ảnh hưởng có thể khắc phục được 393 cây.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa lớn nên nhiều tuyến đường bị ngập sâu, cơ bản toàn bộ các tuyến đường của Công ty bị sạt lở mái ta luy, nước lũ chảy xiết làm xói lở hư hỏng mặt đường, làm trôi cầu, cống, ngầm tràn. Có 42 vị trí đặt cống bị sạt lở hoặc trôi hoàn toàn. Có 4 cầu bị trôi, hư hỏng mặt cầu, dầm cầu và 7 ngầm tràn bị trôi.

cay-cao-su-do-gay-1665371890.jpg
Số cây bật gốc, gãy đổ không thể khắc phục được gần 7.500 cây

Nước lũ cuốn trôi nhiều vật tư trang bị cho vườn cây khai thác, làm trôi mất 3.868 cái kiềng, 15.346 cái chén đựng mủ, 14.126 cái máng dẫn mủ, 5.970 cái mái che mưa, 15.532 mái che chén.

Ngoài ra, hơn 73,46 tấn mủ đông (số mủ đã khai thác được thu vào bì, tập kết ở những sạp, kho tạm ở các lô), do thời gian qua mưa liên tục, nước sông to chưa vận chuyển đi chế biến được đã bị nước dâng lên cuốn trôi. Toàn bộ số mủ công nhân khai thác ( cạo 3 lát) đối với diện tích 238,5 ha bị ngập nước bị trôi cả mủ và cốc. Nhiều công trình, nhà cửa, thuốc BVTV cũng bị hư hỏng, thiệt hại trong đợt mưa lũ này, công tác khai thác mủ của công ty cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo Công ty, trong thời gian tới thiên tai còn diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường, hiện tượng mưa lớn còn kéo dài, lũ lụt, lũ ống lũ quét, sạt lỡ đất đá có thể tiếp tục xẩy ra. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người lao động và tài sản tại các đơn vị, Công ty đã phân công cụ thể cho từng đồng chí trong Ban lãnh đạo, trưởng các phòng chuyên môn cắm chốt tại các nông trường để trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt tại các đơn vị: nghiêm cấm người lao động đi qua các sông suối khi nước dâng cao, di chuyển CNLĐ tại các nhà ở tập thể khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở cao; Công ty cùng với Công đoàn chủ động mua và hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người lao động như: gạo, mỳ tôm, cá khô, dầu ăn, thuốc chữa bệnh, thuốc diệt côn trùng…

Chỉ đạo các Nông trường dọn dẹp cành nhánh cây gãy đổ trên các tuyến đường để đi lại; khắc phục tạm thời các tuyến đường bị sạt lở, những vị trí cầu, cống bị hư hỏng để CNLĐ đi lại sản xuất trên vườn cây./.