Thuốc điều trị bệnh tim và ung thư “chống” nhau khiến Trần Thị Lý phải chịu đựng đau đớn hành hạ. Bệnh chồng bệnh, cuộc đời Lý là những chuỗi ngày khổ đau.

Tròn 30 tuổi, Trần Thị Lý (xóm 2, xã Nghi Hưng, Nghi Lộc, Nghệ An) hầu như chỉ nằm một chỗ bởi bệnh chồng bệnh. Khi chúng tôi đến, khó nhọc lắm Lý mới có thể ngồi dậy, tức tưởi kể về cuộc đời lắm giông bão và đớn đau của mình.
 
Sinh ra với căn bệnh tim bẩm sinh (hở van tim, suy tim nặng), học hành dở dang, 18 tuổi, Lý lấy chồng. Chồng Lý trú cùng địa phương, cũng hiểu cho tình trạng sức khỏe của cô nhưng rồi tình yêu thôi không đủ để duy trì cuộc sống hôn nhân. Lý và chồng chia tay khi chưa kịp có với nhau một mụn con.
 
Được người bà con gần giúp đỡ, Lý vào miền Nam làm thuê, để quên đi nỗi đau thất bại trong hôn nhân và tìm kiếm chi phí thuốc men cho mình, đỡ đần bố mẹ đang nuôi đàn em lít nhít 4 đứa ăn học. Lý cảm thấy cuộc đời mình bớt bất hạnh khi được một người đàn ông yêu thương, hứa chăm sóc cô. Hai gia đình làm mâm cơm gặp mặt, gọi là mừng cho đôi trẻ.


 
Mắc bệnh tim nặng, nay Trần Thị Lý lại bị phát hiện có khối u nang buồng trứng nhưng không thể phẫu thuật được.
 
Rồi Lý mang bầu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe lớn hơn khi bệnh tim vẫn chưa được giải quyết. Nhưng vượt qua nỗi lo âu, bản năng làm mẹ khiến cô đủ kiên cường để bảo vệ sự sống cho cả hai mẹ con. Gần đến ngày sinh, nhà nội gợi ý cô về quê để được chăm sóc tốt hơn. Thế là vợ chồng Lý dắt díu nhau về Nghệ An.
 
“Hôm Lý chuyển dạ, tôi có mấy chỉ vàng, ông nhà tôi góp được ít tiền làm thuê làm mướn đưa cho con rể để lo liệu cho sinh nở. Lý vào phòng sinh, thằng con rể quý hóa cũng ôm hết tiền vàng biến mất…”, bà Cao Thị Tiến, mẹ Lý kể.


 
Bà Cao Thị Tiến (mẹ Lý) vừa thoát khỏi cảnh nằm viện vì gãy xương, nay lại bị K tuyến giáp.
 
Chưa kịp vui mừng đón đứa con trai chào đời, Lý phải chịu nỗi đau phụ bạc. Gọi điện vào nhà nội, cô chỉ nhận được những lời nói đau lòng. Lý ôm con khóc như mưa… Thằng bé được đặt tên Trần Tâm Đức theo họ mẹ.
 
Thương con thiệt thòi đủ đường, vợ chồng ông Trần Văn Công bao bọc hai mẹ con Lý. Chưa thể làm gì để báo hiếu cha mẹ, Lý lại day dứt bởi gánh nặng đổ dồn xuống đôi vai cha mẹ gấp đôi trước đây.


 
Người chồng của Lý đã ôm hết tiền bạc tích góp của nhà ngoại bỏ đi khi Lý vào phòng sinh.
 
Khi bé Tâm lên 3 tuổi, bệnh tim của Lý trở nặng, buộc phải phẫu thuật thay tim van tim, van động mạch chủ để duy trì sự sống. “Trong nhà có cái gì đều bán hết, từ mấy tạ lúa, con trâu kéo cày, thế chấp sổ đỏ ngân hàng để lấy trả tiền viện phí cho Lý”, ông Trần Văn Công nói.
 
May mắn, ca phẫu thuật thành công, Lý giữ được mạng sống của mình. Gánh nặng nợ nần khiến ông Công vào sang Lào, vào tận Phú Quốc làm thuê để kiếm tiền.
 
Dù sức khỏe yếu nhưng bà Tiến cũng lăn ra làm. Hết việc đồng áng, bà lên núi đốn củi bán kiếm thêm. Không may, trong một lần cõng củi xuống núi bà Tiến bị ngã gãy xương vai, gãy xương chậu, phải nằm một chỗ mấy tháng liền.
 
Nhưng rồi ông trời vẫn tiếp tục dội khổ đau xuống đầu những con người bất hạnh này. Giữa năm 2019, Lý được phát hiện có 1 khối u ở buồng trứng.
 
“Hồi năm 2013, sau khi phẫu thuật tim em phải dùng thuốc kháng đông. Giờ nếu phẫu thuật cắt bỏ khối u thì phải dừng thuốc kháng đông, nguy hiểm đến tính mạng. Không còn cách nào khác, em phải chấp nhận sống chung với 2 căn bệnh này. Nhiều đêm tỉnh dậy, máu chảy đầy mồm, em không dám nói vì sợ bố mẹ thêm lo”, Lý buồn rầu.
 
 
Vợ ốm, con đau, cháu thơ dại, dù bản thân cũng mang bệnh nhưng ông Trần Văn Công vẫn phải nai lưng ra làm việc để kiếm tiền chi phí thuốc thang cho vợ con.

Những tưởng không còn gì tồi tệ hơn nữa thì cuối năm bà Tiến lại bị phát hiện có khối u ở tuyến giáp. Sau ca mổ bóc nhân thì phát hiện căn bệnh đã chuyển sang K. Giờ chỉ riêng tiền thuốc của Lý và mẹ mỗi tháng cũng mất gần 5 triệu, tháng nào phải chuyền máu thì tốn gấp đôi. Đó là khoản tiền quá lớn đối với một gia đình thuần nông như vợ chồng ông Công.
 
Từ hồi vợ bị tai nạn, ông Công cũng không dám đi làm ăn xa. Suy nghĩ, lo lắng nhiều khiến dạ dày chảy máu, sức khỏe giảm sút. “Tôi xin tổ thợ gần nhà đi phụ hồ, mỗi ngày được 180-200 nghìn nhưng cứ đau là phải nghỉ, có tháng nào làm đủ công đâu. Nhiều lúc đau cũng phải gắng mà đi, không mẹ con chúng nó lại không có tiền mua thuốc”, người cha khốn khổ nói.
 
 
Bị người cha chối bỏ khi chưa kịp chào đời, bé Đức luôn sống trong nỗi lo có thể mất mẹ bất cứ lúc nào.
 
Thương cha vất vả, thương mẹ và chị phải chịu đau đớn, cô con gái thứ 4 đang học năm thứ 3 đại học nằng nặc xin bỏ để đi làm nhưng ông Công không đồng ý. Ông bảo con gắng học, sau này còn thay bố mẹ lo liệu cho chị và cháu, giờ bố còn gắng gượng được. Ông nói cứng vậy thôi nhưng đêm về nằm nghe xương cốt rệu rã, từng cơn đau dạ dày đến quặn cả ruột, không biết bản thân mình còn gắng gượng được đến bao lâu.
 
“Vì em mà cha mẹ phải cầm cố căn nhà. Giờ sắp đến kỳ hạn phải trả nhưng không có dư ra một đồng, nếu sắp tới họ mà siết nhà, cả gia đình em biết sống ở đâu? Em thì đã đành, còn bố mẹ, còn con nhỏ, làm sao mà nhắm mắt được chị ơi…”, Lý bật khóc.
 
Thằng bé Đức cũng mếu máo, ôm chầm lấy mẹ. “Mẹ ơi, đừng chết…”. Lý ôm lấy con, tan nát cả cõi lòng. Bà Tiến cũng thổn thức. Ông Công ngồi như hóa đá trước tình cảnh không lối thoát của gia đình mình…
 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về

Ông Trần Văn Công (bố chị Lý)
 
Địa chỉ: Xóm 2, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
 
Điện thoại: 0981172553
 
Số tài khoản: 0161001706565 – Trần Thị Trang (con gái ông Công) - Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thừa Thiên Huế