Nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ nói trên, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 386/KH- UBND, ngày 15/7/2021 và Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 09/8/2021, cùng với các quyết định về các biện pháp, quy trình rút ngắn thủ tục hành chính, tăng cường triển khai thực hiện thông qua các dịch vụ công trực tuyến, bưu điện... UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành một số công văn đôn đốc và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các hộ kinh doanh, người lao động tự do đang còn chậm, khiến dư luận đặt ra băn khoăn, hoài nghi nhất định. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, tiến độ triển khai chính sách như hiện nay chưa đảm bảo đúng tinh thần cấp bách “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, bởi trong các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ thì phần lớn là công nhân, người lao động tự do có cuộc sống khá khó khăn, là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương nhất.
Trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Bình, ở xóm 22, xã Nghi Phú, thành phố Vinh là một ví dụ. Hai vợ chồng anh Bình làm thợ quét sơn, việc bữa có, bữa không và lâu nay vợ anh sức khỏe yếu, nên chỉ mỗi anh đi làm nuôi 3 miệng ăn. Khi thành phố Vinh áp dụng Chỉ thị 16, rồi đến Chỉ thị 16 nâng cao thì anh ở nhà hoàn toàn. Vốn đã không có tích lũy, ruộng vườn không, nên anh rất mong muốn sớm được nhận gói hỗ trợ để có thêm nguồn sống vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cũng làm nghề tự do, ông Nguyễn Văn Quang, ở khối Quang Trung, phường Vinh Tân, thành phố Vinh) làm nghề đạp xích lô chở hàng ở khu vực chợ Vinh và vợ bán rau xe đẩy, thu nhập khá chật vật, cộng thêm sức khỏe yếu, thuốc thang thường xuyên. Khi khối, phường tiến hành rà soát, thống kê để triển khai gói hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông cũng mong muốn được nhận hỗ trợ sớm. Ông Quang cho rằng, nhận được hỗ trợ trong thời điểm này, không chỉ có giá trị về vật chất mà cao hơn là giá trị tinh thần đối với những người khó khăn, Đảng, Nhà nước thật sự luôn quan tâm với tinh thần “không ai bỏ lại phía sau”.
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh, mặc dù trong điều kiện chống dịch với yêu cầu rất cao, thành phố cũng đã chủ động, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn cũng như tiếp nhận, thẩm tra, đề xuất với tỉnh hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid1-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Kết quả, thành phố đã hướng dẫn cho hơn 100 doanh nghiệp, trong đó đã tiếp nhận hồ sơ của 75 doanh nghiệp với 872 lao động tạm hoãn hợp đồng hoặc ngừng việc đủ điều kiện. Trên cơ sở tiếp nhận, thành phố đã thẩm định, phê duyệt, trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách 199 lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động tại 35 doanh nghiệp.
Thành phố cũng đã chỉ đạo các phường, xã phát tờ khai đăng ký đến tận các đối tượng hộ kinh doanh, đối tượng F0, F1 và lao động tự do. Đến ngày 25/8, ở các phường, xã đã tiếp nhận hồ sơ của 258 hộ kinh doanh; 120 người là đối tượng F0, F1; 2.232 lao động tự do, Bà Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh
Tại huyện Quỳ Hợp, theo chia sẻ của ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, trên cơ sở các quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; UBND huyện cũng đã ban hành 1 kế hoạch, 2 hướng dẫn và 1 công văn đôn đốc các xã, thị trấn triển khai; trong đó chú trọng khâu tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Đến thời điểm này, tất cả các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đều được giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Huyện Quỳ Hợp cũng đã tiếp nhận hồ sơ của 4 doanh nghiệp có lao động tạm hoãn hợp đồng và ngừng việc, trong đó đã thẩm định 59 người đủ điều kiện của 3 doanh nghiệp trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Riêng các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho lao động; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, tính đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào gửi hồ sơ đề nghị. Đối với hỗ trợ người lao động tự do, hiện tại, 21 xã, thị trấn đang tích cực tuyên truyền, rà soát, lập danh sách và thẩm định hồ sơ trước khi trình lên UBND huyện theo quy trình quy định.
Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, tính đến ngày 27/8/2021, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 10/12 chính sách (trừ chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động - lao động tự do và hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động). Kết quả cụ thể, Sở đã thẩm định để trình UBND tỉnh với tổng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ là 1.951 người và tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là gần 3,7 tỷ đồng. Trong số đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ đợt 1, đợt 2, đợt 3 cho 202 người, kinh phí phê duyệt là hơn 420 triệu đồng.
Thừa nhận việc triển khai gói chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, nhất là hộ kinh doanh, lao động tự do chưa kịp thời, chưa làm thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của người dân, bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An chia sẻ: Khó khăn lớn nhất là dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên phạm vi toàn tỉnh với 14 huyện, thành phố, thị xã áp dụng Chỉ thị 16, trong đó có một số địa phương như thành phố Vinh áp dụng Chỉ thị 16 nâng cao và 7 huyện, thị xã áp dụng Chỉ thị 15 của Chính phủ. Do đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là nhiệm vụ đang được các địa phương dồn lực lượng ưu tiên thực hiện trước hết và trên hết. Vì vậy, mong muốn Nhân dân chia sẻ cùng với chính quyền về sự chưa kịp thời nói trên.
Bà Hồ Thị Châu Loan cũng khẳng định, chính sách đã có và thời gian thực hiện chính sách không bị bó hẹp, cho nên các đối tượng trong diện được hỗ trợ nếu đủ điều kiện thì đều được hỗ trợ. Và để đảm bảo tính kịp thời hỗ trợ các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm và quyết liệt thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa chống dịch, vừa tập trung rà soát, thẩm định, trình tỉnh để thực hiện với quan điểm hỗ trợ tối đa nhất, kịp thời nhất cho các đối tượng đủ điều kiện được thụ hưởng.
Do tính chất khẩn trương, kịp thời của chính sách, cho nên, quá trình thực hiện đang phát sinh một số bất cập ở một số đối tượng bị ảnh hưởng chưa được “quét” hết, Sở sẽ tổng hợp đề xuất từ các địa phương để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh.
Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Có thể nói, việc triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhất là lao động tự do, hộ kinh doanh lúc này là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa giải quyết vấn đề cấp bách về cuộc sống, an sinh xã hội của người dân; đồng thời tạo đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ các cấp. Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần có giải pháp vào cuộc tích cực hơn. Cùng với khẩn trương thực hiện gói hỗ trợ, các cấp, các ngành, các địa phương cũng cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội hóa, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” để hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19 và bản thân các đối tượng cũng chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh.