Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam (tỉnh Nghệ An) đang có nhiều diễn biến phức tạp. Việc kiểm soát khai thác cát, sỏi trên dòng sông Lam đoạn chảy qua địa phận các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An đang là bài toán khó đối với ngành chức năng địa phương.

Ngang nhiên “rút ruột” sông Lam

Gần đây nhất, UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành có địa chỉ ở khối Lam Sơn, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn số tiền 900 triệu đồng.

v-1692231922.jpg
Những chuyến tàu này thường xuyên túc trực trên dòng sông Lam suốt thời gian qua

Cụ thể, liên tục trong 2 năm (2020 - 2021), Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương đã khai thác cát vượt mức cho phép trên 200%. Vào năm 2020 khai thác vượt công suất 211,2% và năm 2021 khai thác vượt công suất 208,6% trên khu vực sông Lam chảy qua địa phận huyện Thanh Chương. Với hành vi này, doanh nghiệp sau đó đã bị xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng.

Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng đối với Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành có địa chỉ ở khối Lam Sơn, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn vì hành vi khai thác cát vượt công suất trong 2 năm liên tiếp 2020 (vượt 80,8% công suất) và năm 2021 (vượt 171,6% công suất). Đây là một trong những hợp tác xã có nhiều xà lan khai thác cát nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An với 53 chiếc, được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn qua các xã Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc.

vv-1692231942.jpg
Những tàu cát nằm bờ ban ngày

Trước đó, vào tháng 9/2022, tỉnh này cũng đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hoàng Nguyên vì những vi phạm tương tự. Công ty này có địa chỉ tại phường Hưng Bình (TP. Vinh), được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn từ xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tới xã Cát Văn, huyện Thanh Chương.

Theo đó, công ty này bị UBND tỉnh xử phạt 300 triệu đồng vì hành vi khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản. Cụ thể, công suất được phép khai thác cát hàng năm của công ty này là 23.920 m3. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong năm 2021, công ty này đã khai thác 30.751,5 m3, vượt 28,5% công suất, với khối lượng vượt là 6.831 m3.

Mới đây nhất, cuối tháng 7/2023 nhiều người dân ở xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên đã “kêu cứu”, về tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tấp nập trên khúc sông Lam, đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý khiến người dân vô cùng bức xúc.

Qua phản ánh của người dân, khoảng thời gian từ 1h – 3h sáng là thời điểm xuất hiện nhiều tàu thuyền đến khai thác cát “chui” trên sông Lam đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên.

Tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý

Trước thực trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên sông Lam đoạn qua xã Xuân Lam, ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, thông tin: Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam đoạn qua địa bàn xã rất phức tạp. Đây là địa bàn có giáp ranh với các xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) và xã Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), mặt khác có khu vực mỏ cát được cấp phép khai thác của Công ty Phú Thành nữa nên nhiều khi các đối tượng lợi dụng để khai thác trái phép vào ban đêm.

vvv-1692231967.jpg
Cứ khoảng 1-3h diễn ra khai thác cát trái phép trên sông Lam đoạn xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên

“Chúng tôi đã kiến nghị với công an huyện và Phòng Cảnh sát môi trường để nhờ vào cuộc xử lý nhiều lần. Và thực tế là đã bắt, xử lý hành chính cũng như hình sự khá nhiều vụ, “treo” nhiều tàu thuyền hút cát. Thế nhưng vẫn không triệt để được, tình trạng khai thác cát trái phép vào ban đêm vẫn cứ thường xuyên diễn ra...” - ông Nguyễn Văn Phận cho biết thêm.

Trước thực trạng này, mới đây ngày 10/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã ký Văn bản số 6647 chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh khẩn trương vào cuộc kiểm tra, báo cáo.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an; Cục Quản lý thị trường; Cục Thuế, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn nêu trên để tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh đề nghị xử lý hoạt động trái phép đang diễn ra nhưng cố tình chậm trễ không kịp thời triển khai nhiệm vụ.

Được biết, tỉnh Nghệ An đã nhiều lần có công văn yêu cầu kiểm tra chấn chỉnh tình trạng “rút ruột” sông Lam. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là vì sao sau nhiều lần chỉ đạo, kiểm tra thực trạng khai thác cát trái phép, hoạt động “chui” trên sông Lam vẫn xảy ra thường xuyên?!.