Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan. 

a-1669904927.jpg
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An

Phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và chống khai thác IUU

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Đến nay, khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU. Trên cơ sở triển khai thực tế, các cơ quan chuyên môn đã rà soát, sửa đổi bổ sung các Thông tư, Nghị định liên quan để phù hợp với thực tiễn nghề cá tại Việt Nam và các quy định quốc tế. Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quản lý tốt hạn ngạch về Giấy phép khai thác thủy sản, đến nay tổng số tàu cá đã giảm 5,1% (từ 96.609 chiếc năm 2019 đến nay còn 91.716 chiếc), trong đó tàu cá từ 15 mét trở lên giảm 4,0% (từ 31.297 chiếc năm 2019 đến nay giảm còn 30.074 chiếc). Thực hiện đánh dấu tàu cá theo quy định là 88.545/91.716 tàu (đạt 96,5%). Tính đến nay, toàn quốc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đạt 95,27% tăng 5,01% so với năm 2021.

Tình hình chống khai thác IUU sau 05 năm bị cảnh báo “Thẻ vàng” đã có những chuyển biến tích cực. EC ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN&PTNT đã phối hợp tốt với các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều giải pháp tích cực để chống khai thác IUU; chuẩn bị tốt nội dung, kế hoạch, chương trình làm việc với Đoàn Thanh tra của EC, cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đảm bảo tính minh bạch, trung thực và khánh quan. Tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019.

Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số quy định để tăng cường hiệu lực hiệu quả chống khai thác IUU như: Mức phạt các hành vi vi phạm nghiêm trọng phải cao hơn gấp nhiều lần so với lợi ích thu được, bổ sung hình thức xử phạt bổ sung tịch thu sản phẩm khai thác và xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần; xử phạt đối với hành vi đi ra ngoài ranh giới vùng biển trái phép mà không cần phải chứng minh có hoạt động khai thác bất hợp; thực hiện chuyển đổi nghề khai thác trong hạn ngạch được giao theo hướng chỉ cho phép các nghề thân thiện với nguồn lợi, hệ sinh thái...

Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp. Tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến nhưng công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế so với các vụ việc vi phạm. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn chưa chặt chẽ, tỉ lệ sản lượng được giám sát khi bốc dỡ còn thấp. Hồ sơ truy xuất hiện nay còn mang tính chất đối phó, đặc biệt là việc ghi, nộp Nhật ký còn nhiều sai sót...

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo xã/phường có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài tại các tỉnh Kiên Giang, Bình Định, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Quảng Ninh... đã báo cáo tình trạng, giải pháp ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài; công tác quản lý ghi chép sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản; công tác thực thi pháp luật, xử phạt hành vi vi phạm khai thác IUU; việc theo dõi, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU qua VMS; công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng lên cảng; công tác chứng nhận, xác nhận và truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác; nguồn lực, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác quản lý nghề cá, chống khai thác IUU....

Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương đã báo cáo công tác điều tra, xử lý các đường dây môi giới, móc nối đưa người/tàu cá Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; công tác bố trí nguồn lực kinh phí đầu tư hạ tầng thủy sản; giải pháp kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu công-te-nơ; công tác phối hợp điều tra, xác minh thông tin người/tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; kế hoạch đàm phán, phân định vùng biển chồng lấn, tranh chấp...

100% số tàu cá hoạt động khai thác thủy sản tại Nghệ An được đăng kiểm và cấp giấy phép theo quy định

b-1669904967.jpg
Lãnh đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Tại Nghệ An, sau 5 năm triển khai thực hiện, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo IUU tỉnh cùng với sự nỗ lực của các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, công tác chống khai thác IUU tại Nghệ An về cơ bản đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nhất định.

Công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản thực hiện tốt, đảm bảo 100% số tàu cá hoạt động khai thác thủy sản đã được đăng kiểm và cấp giấy phép theo quy định; tổ chức trực ban 24/7 hệ thống giám sát hành trình tàu cá tại Trạm bờ của Chi cục Thủy sản; tổ chức kiểm tra, xác minh tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định; hoạt động thanh tra, kiểm tra nghề cá tại các cửa lạch, trên biển được tăng cường, đã kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Trên cơ sở hạn ngạch được phân bổ, Nghệ An được cấp 1.242 Giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi; 654 Giấy phép khai thác vùng lộng; 1.953 Giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ. Tính đến ngày 16/11/2022, tỉnh Nghệ An có 1.125/1.151 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 97,74%...

Đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân bền vững

c-1669905002.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải thực hiện việc gỡ thẻ vàng IUU vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân.(Ảnh: chinhphu.vn)

Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ NN&PTNT tập hợp các ý kiến xác đáng tại hội nghị, xây dựng hoàn thiện Kế hoạch hành động, xác định đây là vấn đề vừa trước mắt vừa lâu dài. Trong kế hoạch cần nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, các địa phương, xã, phường và người dân. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh – “Các địa phương đã có sự nỗ lực, cố gắng nhưng chưa đạt được mục tiêu, đây là hạn chế của chúng ta. Nếu 6 tháng nữa khi EC tiến hành kiểm tra, không đạt kết quả như yêu cầu thì EC có thể sẽ áp dụng các biện pháp nặng hơn”.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần có giải pháp lâu dài, tìm sinh kế cho người dân, đảm bảo lợi ích và cuộc sống tối thiểu cho người dân. Cần nhận thức thực hiện nhiệm vụ này không phải để đối phó với EC mà là đảm bảo lợi ích cho người dân, cho quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, thực hiện cam kết quốc tế đã ký kết, thỏa thuận. Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, phối hợp cùng các nước bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái của biển. Cần quán triệt rõ tinh thần này từ Trung ương đến người dân, tuyên truyền vận động tạo động lực cho người dân nhận thức về vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để thực hiện; đẩy mạnh truyền thông vận động người dân cùng tham gia; có phương pháp huy động sức mạnh toàn dân, khơi dậy tính đoàn kết dân tộc, bởi "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Các địa phương thực hiện tốt các biện pháp về kỹ thuật, rà soát lại phương tiện, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tại cảng cá, thực hiện tốt việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đúng theo quy định. Tiếp tục rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tại địa phương thực hiện hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân bền vững. “Cùng nhau ngồi lại bàn bạc, lo cuộc sống của người dân như cuộc sống của mình, phải lắng nghe, chia sẻ, tạo công ăn việc làm đảm bảo lợi ích cho người dân” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Các cơ quan, đơn vị phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; kiểm tra đến từng địa phương cấp xã có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để nắm bắt tình hình và có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời, hiệu quả, không để tình trạng cùng một sai phạm nhưng có địa phương xử lý, có địa phương không xử lý...

“Về giải pháp lâu dài, cần quy hoạch lại, đánh giá lại các vùng biển, nuôi trồng thủy hải sản, chủ quyền lãnh thổ, tạo sinh kế cho người dân, chuyển đổi nghề. Tinh thần chung là không bó tay trước khó khăn; càng khó khăn thì càng huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện các giải pháp phù hợp từng hoàn cảnh, từng giai đoạn; bám sát tinh thần vì nhân dân, tránh hời hợt, hình thức, quan liêu, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh.” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh./.

Theo Kim Oanh - nghean.gov.vn