Nhiều tháng nay, hàng trăm khối đá cảnh có giá trị cao không rõ nguồn gốc xuất xứ được tập kết trái phép tại khu đất thuộc quản lý của 1 Doanh nghiệp nhà nước ở xã Nghĩa Xuân, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn không xử lý.
 
Nhiều tháng nay, người dân vùng xã Nghĩa Xuân, huyện Nghĩa Đàn bất ngờ thấy hàng trăm khối đá cảnh hay còn gọi là đá cổ thạch được tập kết ngay dọc tuyến đường Quốc lộ 48, thuộc xã Nghĩa Xuân, huyện Qùy Hợp (Nghệ An). Điều đáng nói, hàng trăm khối đá trên được tập kết trái phép tại khu đất thuộc quản lý của Nông trường Xuân Thành (Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành - là 1 đơn vị Doanh nghiệp nhà nước) này suốt nhiều tháng nay mà vẫn chưa thấy cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương đến kiểm tra, xử lý.


 
Hàng trăm khối đá cảnh được tập kết ngay dọc tuyến đường Quốc lộ 48.
 
Cũng theo người dân bản địa nơi đây, những khối đá trên được 1 số cá nhân khai thác theo dạng “thổ phỉ” trên địa bàn đưa về đây để tập kết và bán ra thị trường khi khách hàng có nhu cầu mua.
 
Từ phản ánh của người dân, phóng viên Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp đã có mặt tại ở xã Nghĩa Xuân, huyện Qùy Hợp để nắm rõ thực hư.
 
Tại đây, những tảng đá đủ chủng loại to, nhỏ, mới có, cũ có nằm la liệt giữa thanh thiên, bạch nhật ngay sát quốc lộ và chỉ cách trụ sở ủy ban nhân xã khoảng vài cây số.
 
Thậm chí, trên những tảng đá cổ thạch được công khai sơn vẽ số điện thoại rõ ràng để thuận tiện cho việc mua bán.


 
Trên những tảng đá lớn được công khai số điện thoại.
 
Hiện, một tấn đá cổ thạch được bán với mức giá khoảng 1 triệu đồng. Trung bình một xe tải lớn chở từ 30 đến 35 tấn tấn đá nên lợi nhuân từ việc khai thác loại đá cảnh này là rất lớn mà lại không cần hóa đơn, chứng từ. Đồng nghĩa với việc nhà nước mất đi một nguồn thu từ việc khai thác lậu này
 
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch xã Nghĩa Xuân, huyện Qùy Hợp cho biết: Thường thì những khối đá đó được 1 số cá nhân đổ trộm về đêm và tập kết thành đống ở đó. Tuy nhiên, nói về quản lý nhà nước thì của xã nhưng quản lý đất đai thì lại thuộc quyền quản lý của Nông trường Xuân Thành. Tuy nhiên, xã đã nắm được việc này và đã báo cáo “miệng” với huyện rồi.
 
Trong khi đó, ông Lê Viết Vinh, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cho rằng, quan điểm của Công ty là không cho thuê để tập kết đó ở đó. Vì thế, phía công ty đã yêu cầu các cá nhân di dời đá cảnh đó ra khỏi địa phận.


 
Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cũng đã từng có văn bản yêu cầu các cá nhân di dời đá cảnh tập kết trái phép.
 
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp (Nghệ An) cho biết: Huyện đã chỉ đạo cho xã và Nông trường Xuân Thành kiểm tra và xử lý việc này. Cơ bản đây là những khối đá không có nguồn gốc xuất xứ, không có hồ sơ, thủ tục gì cả. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các đơn vị trên kiểm tra cụ thể công ty, doanh nghiệp nào tập kết đá ở đó nếu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì sẽ yêu cầu họ di dời, xử lý.
 
Được biết, nhiều năm nay, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) là một trong những điểm nóng của tình trạng khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép ở miền núi Tây Nghệ An. Điều đáng lo ngại là thực trạng này ngày càng diễn ra phức tạp với đủ loại hình từ công khai đến bán công khai.
 
Tại xã Nghĩa Xuân nói riêng và huyện Qùy Hợp nói chung, tình trạng khai thác trái phép đá cảnh này không hề có dấu hiệu hạ nhiệt dù các phương tiện truyền thông báo chí phản ánh khá nhiều. Thậm chí, chính quyền địa phương từng xử phạt một số cá nhân tổ chức vi phạm. Tuy nhiên, mức xử phạt còn thấp chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng cũng như lợi nhuận lớn từ việc khai thác khoáng sản lậu nên chưa đủ sức răn đe./.