Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành công nghiệp khai khoáng giữ vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.
Tần suất xe có trọng tại lớn vào ra liên tục, đặc biệt vào những ngày họp chợ, ngoài ô nhiễm môi trường thì nguy cơ tiềm ẩn về TNGT cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trong đó, cát lòng sông là loại khoáng sản đang có nhu cầu lớn, phục vụ đắc lực cho ngành xây dựng, giao thông, thuỷ lợi và các ngành kinh tế khác. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng cát có xu thế tăng nhanh trong thời gian tới.
Trong những năm qua, hoạt động khai thác cát lòng sông đem lại nhiều lợi ích thiết thực, song cũng tác động tiêu cực đến môi trường như: gây xói lở bờ sông, đe dọa đến độ an toàn của giao thông đường thủy và các công trình lân cận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân xung quanh khu vực mỏ.
Nguyên nhân của vấn đề này là quy mô khai thác nhỏ, công nghệ khai thác, trình tự khai thác và thiết bị khai thác chưa phù hợp với điều kiện mỏ. Bên cạnh đó, công tác quản lý, cấp quyền khai thác chưa gắn liền với các kết quả nghiên cứu khoa học và chưa xem xét tác động của hoạt động khai thác tới môi trường xung quanh.
Xuất phát từ những bất cập nêu trên, Tòa soạn Tạp chí Sức khỏe và Môi trường thực hiện chuyên đề “Bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, vận chuyển cát lòng sông” (Khảo sát thực tiễn tại một số mỏ cát nằm trên tuyến quốc lộ 46C đoạn qua địa bàn huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn tỉnh Nghệ An).
“Sống chung với ô nhiễm”
Nhiều năm nay, cuộc sống của hàng chục hộ dân dọc tuyến đường quốc lộ 46C thuộc hai huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn, tỉnh Nghệ An bị đảo lộn hoàn toàn, do ảnh hưởng nặng nề từ việc các phương tiện vào ra lấy cát cả ngày lẫn đêm, khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, bên cạnh đó những chiếc xe ben đầu kéo, xe 4 chân phóng nhanh, phanh gấp tạo nên tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ em và giấc ngủ của cụ già.
Ghi nhận của PV tại km44 đến km45 dọc đê Tả Lam thuộc địa bàn xã Hưng Lĩnh có 3 bãi tập kết cát, trong đó 2 bải đã hết thời hạn hoạt động, còn 1 bãi cát lớn của Công ty TNHH Một thành viên Xuân Nhi nằm tại địa bàn xã Xuân Lâm giáp ranh với xã Hưng Lĩnh nhưng đường ra vào bãi lại nằm trên địa bàn xã Hưng Lĩnh. Mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện tải trọng lớn như HOWO 4 chân, xe đầu kéo ben liên tục nối đuôi nhau phóng nhanh vượt ẩu khiến bụi bay mù mịt khắp nơi, mật độ xe chạy quá dày, bạt che chắn sơ sài khiến cát rơi vãi xuống đường, chỉ cần một cơn gió nhẹ là bụi phủ kín nhà dân cũng như các vật dụng trong nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân.
Anh Ng (50 tuổi) ở xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên bức xúc: Mặc dù nhà cửa được che chắn nhiều lớp, phía ngoài trồng cây rất nhiều nhằm giảm bụi, thế nhưng trong nhà chẳng khác nào ngoài đường. Người dân ở đây đang rất lo lắng, vì tình trạng này kéo dài nhiều năm, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là người già và trẻ em dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Không chỉ bụi “tra tấn” mà tiếng ồn của xe chạy cứ ầm ầm từ đêm suốt sáng. Mẹ tôi năm nay 90 tuổi, không đêm nào có một giấc ngủ ngon. Việc học của các cháu nhỏ cũng bị ảnh hưởng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đô – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh cho biết: Thực sự là rất khó, bởi vì mỏ cát lớn của Công ty TNHH một thành viên Xuân Nhi được UBND tỉnh cấp phép, vị trí bến bãi nằm trên đất thuộc xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn. Phương tiện vận chuyển cát từ bãi Xuân Nhi lại đi qua địa bàn xã Hưng Lĩnh, chúng tôi rất là khó xử lý, can thiệp, cũng không có thẩm quyền nhắc nhở hay bắt doanh nghiệp này cam kết đảm bảo môi trường. Còn trên địa bàn xã có 2 bến bãi nhỏ lẻ thì đầu năm đã cho ký cam kết về môi trường. 2 doanh nghiệp này cũng rất là quan tâm đến vấn đề dọn vệ sinh, tưới nước.
Che phủ bạt sơ sài, khiến cát bụi rơi xuống nền đường, chỉ cần 1 cơn gió nhẹ, hoặc phương ô tô chạy qua là cả cột bụi đổ ập xuống nhà dân.
Nhiều doanh nghiệp hết phép vẫn ngang nhiên hoạt động
Về công tác quản lý các bến bãi kinh doanh vật liệu cát sỏi và mỏ vật liệu xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 quy định rõ về quản lý cát, sỏi lòng sông. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều bến bãi trên địa bàn tỉnh Nghệ An dù không đủ điều kiện nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Các đơn vị doanh nghiệp phải có bảng thông báo công khai thông tin địa chỉ bến bãi tập kết cát, trạm cân, camera để giám sát, diện tích bến bãi. Mặc dù quy định rõ như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hết hạn hoặc chưa được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, không có trạm cân, không có camera giám sát, khó kiểm soát nguồn gốc cát, dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản khiến người dân và nhiều doanh nghiệp bất bình.
Qua tìm hiểu được biết, hiện tại Công ty cổ phần Hùng Hưng có địa chỉ tại khối 2, phường Trung Đô, TP. Vinh – Nghệ An có vị trí bãi tập kết vật liệu xây dụng cát Km0+600 đến Km0+750 thuộc địa phận xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên là một trong những doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa gần 1 năm nay. Việc doanh nghiệp này vẫn hoạt động công khai cả ngày lẫn đêm nhưng không bị xử lý khiến dư luận không khỏi hoài nghi về công tác quản lý của các cơ quan có liên quan.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn của phương tiện vận tải, rất mong các Sở ban ngành cấp trên như huyện, tỉnh phối hợp với địa phương để cùng với xã Xuân Lâm có phương án giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quy định khung giờ hoạt động để cho nhân dân nghỉ ngơi và việc học hành của các cháu không bị ảnh hưởng. Đồng thời các ngành chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt để xử lý những doanh nghiệp có giấy phép hết hạn hoặc các doanh nghiệp chưa được cấp phép, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo Quang Toản - suckhoemoitruong.com.vn