nguoinghe.vn
Đây là hình ảnh con sông Đào được PV ghi lại vào năm 2019. (Ảnh chụp màn hình)
nguoinghe.vn
Còn đây là hình ảnh được PV ghi lại cách đây 1 tuần. (Ảnh chụp màn hình)

Thành viên Mạng xã hội Người Nghệ xin lược đăng toàn bộ để mọi người có cái nhìn đa chiều, khách quan:

Nước là một phần thiết yếu của cuộc sống. Đặc biệt, nước sinh hoạt luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu tại các đô thị lớn. Thế nhưng để có một nguồn nước đủ sạch, cung ứng cho quá trình sản xuất nước sinh hoạt thì không phải chuyện dễ dàng.

Giống như người dân thủ đô hồi năm 2019 từng gặp sự cố với nước sinh hoạt khi mà nguồn nước sông Đà bị đổ dầu thải.

Tại Nghệ An tại thời điểm hiện tại, con sông Đào là nguồn cung ứng lượng lớn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt đang có nguy cơ bị ô nhiễm.

Nguy cơ ô nhiễm sông Đào

Vẫn những xác lớn chết, gà chết và vô số loại gia súc, gia cầm nuôi trong nhà bị vứt ra con sông này như suốt bao nhiêu năm qua. Một số xác động vật mới chết thì trôi nổi khắp mặt sông. Còn lại đã phân huỷ, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tất cả đều hoà vào nước sông Đào chảy đi khắp nơi.

Theo người dân địa phương thì tình trạng này càng gia tăng do số lượng trang trại mọc lên dọc sông ngày một nhiều.

Ông Nguyễn Văn Minh ở xã Nam Lĩnh (Nam Đàn, Nghệ An) nói: “Gà, vịt, lợn chết là vứt dưới. Trôi nổi, ô nhiễm và hôi thối lắm”!

Không chỉ ô nhiễm do sự thiếu ý thức của một số người dân địa phương. Dọc hai bên bờ sông Đaò còn có hàng trăm điểm xả thải trực tiếp như thế này. Từ các nhà máy sản xuất công nghiệp; cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm cho đến nhà vệ sinh của các hộ dân ven sông. Tất cả đều được xây cống, đặt đường ống xả thẳng ra sông.

Ngay phía sau lưng tôi là một miếng cống xả thải của Công ty kim loại màu ở trên địa bàn huyện Nam Đàn đang xả trực tiếp nước thải ra sông Đào. Tôi không có kiến thức chuyên môn để nói chất lượng nước thải này ra như thế nào nhưng có một hiện tượng mà tôi có thể quan sát bằng mắt thường. Tức là xung quanh dòng nước này có nhiều cá chết.

Sông Đào vốn là con sông nhân tạo được hình thành từ thời Pháp. Nhằm mục đích tưới tiêu cho hơn 30 ngàn ha đồng ruộng. Việc thiết kế con sông chạy uốn lượn qua các cánh đồng cũng vô tình biến con sông này chịu ảnh hưởng của việc sản xuất nông nghiệp.

Các vỏ bao thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng cũng bị ném cả ra đây. Thậm chí bình phun thuốc sau khi dùng xong cũng đem ra sông tráng rửa.

"Các chú nhìn thấy nước đục ngầu. Rửa chân nhà tui cũng nỏ rửa nói chi đến ăn uống sinh hoạt", một người dân chia sẻ.

Thời điểm hiện tại sông Đào vẫn được sử dụng để làm nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho địa bàn TP. Vinh và vùng phụ cận.

Lo ngại không đảm bảo sức khoẻ, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Đoàn thanh tra lấy mẫu nước thô đầu vào để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy mẫu nước thô sông Đào có 4 chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Suốt từ năm 2016 đến nay nhân dân tỉnh Nghệ An đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An ngừng sử dụng nguồn nước thô lấy từ sông Đào để sản xuất nước sinh hoạt.

Thế nhưng đến thời điểm hiện tại hơn 500 ngàn người dân TP. Vinh và vùng phụ cận vẫn phải sử dụng nguồn nước tho lấy từ sông Đào trộn lẫn với nước sông Lam.

nguoinghe.vn
Ảnh chụp màn hình

Nguồn nước thô bị trộn lẫn

TP. Vinh và các vùng phụ cận có 3 nhà máy nước sạch bao gồm: Nhà máy nước Hưng Vĩnh, Nhà máy nước Cầu Bạch và Nhà máy nước Hưng Nguyên. Trước thời điểm năm 2019, 3 nhà máy nước này đều sử dụng nguồn nước thô từ sông Đào để sản xuất nước sinh hoạt.

Tuy nhiên do nguy cơ ô nhiễm của con sông Đào, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu nhà máy Cầu bạch và Nhà máy nước Hưng Vĩnh được phép sử dụng nguồn nước thô sông Lam. Còn Nhà máy nước Hưng Nguyên do kết nối nguồn nước thô sông Lam nên được sử dụng nguồn nước thô sông Đào. Nhưng chỉ cung cấp cho thị trấn Hưng Nguyên và các vùng phụ cận.

Thế nhưng trên thực tế nguồn nước sông Đào vẫn len lỏi với số lượng lớn trộn lẫn vào nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt cho nhiều khu vực khác.

Trạm bơm cầu Mượu trước năm 2019 thường cung cấp hàng chục ngàn m3 nước thô sông Đào mỗi ngày về các Nhà máy nước để xử lý thành nước sạch đến nay đã đóng cửa. Đồng nghĩa với việc đường ống dẫn nước sông Đào về 2 Nhà máy nước Cầu Bạch và Hưng Vĩnh đã mất kết nối.

Về mặt lý thuyết hai Nhà máy này chỉ còn nước thô từ sông Lam để sản xuất nước sinh hoạt phục vụ người dân TP. Vinh và các vùng phụ cận. Nhưng theo Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An, năm 2020 Công ty CP Cấp nước Nghệ An tự ý xây dựng đường ống D1000 để kết nối hệ thống nước sông Đào từ Nhà máy nước Hưng Nguyên đến mạng lưới cung cấp nước sạch cho TP Vinh và các vùng phụ cận của 2 nhà máy Cầu Bạch và Hưng Vĩnh.

Như vậy mỗi ngày người dân thành Vinh vẫn phải dùng nguồn nước được trộn lẫn giữa nước sông Đào và nước sông Lam.

Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An cho biết: “Nhà máy nước Hưng Nguyên nó hoà mạng vào phụ cận. Nước chỗ nào yếu thì về chỗ đó.

PV hỏi: "Nói như vậy thì nước sông Đào vẫn được sử dụng cho vùng phụ cận?

Ông Hà trả lời: "Báo cáo anh là nó hoà mạng chung. Dưới Hưng Vĩnh có thể lên Hưng Nguyên... Nó hoà mạng chung. Tự tìm đường ngắn nhất nó đi".

Ông Dương Văn Tri (Phường Cửa Nam, TP. Vinh, Nghệ An) băn khoăn: “Tại sao lại không lấy nguồn nước sông Lam mà phải lấy nguồn nước sông Đào. Nghệ An ai cũng biết nước sông Đào nó rất bẩn đến mức nào. Nhìn cũng thấy bẩn chứ chưa nói đến sử dụng”.

Theo quy định về giá nước sạch của UBND tỉnh Nghệ An thì giá nước thô đầu vào lấy từ sông Đào là 900 đồng/m3, giá nước thô sông Lam là 1950 đồng/m3. Thế nhưng mỗi ngày Công ty CP cấp nước Nghệ An vẫn bán nước cho người dân với giá 10800 đồng/m3. Cho dù đây là nước sông Đào và sông Lam được trộn lẫn.

Còn tỷ lệ trộn lẫn là bao nhiêu thì đơn vị sản xuất cũng cho biết chưa xác định được.

Hai bên chưa xác định được sản lượng”, ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An thừa nhận.

Vào năm 2022, Đoàn liên ngành của UBND tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra đột xuất tại Nhà máy nước Hưng Nguyên thì tổng lưu lượng cung cấp sông Đào vào hệ thống đường ống chung của TP. Vinh và các vùng phụ cận là hơn 2.500m3/giờ, tương ứng hơn 62 ngàn m3/ngày đêm và gần như toàn bộ lượng nước đầu vào này được chuyển hoá, xử lý nước đầu ra theo quy định. Trong khi đó tổng lưu lượng tiêu thụ 1 ngày đêm của toàn hệ thống là 94 ngàn m3.

Vì phần lớn là nước sông Đào nên cứ vài tháng gia đình anh Phong lại phải thau rửa bể chứa nhưng nguồn nước vẫn đục ngầu như thế này. Không giám sử dụng để ăn uống, anh Phong phải mua nguồn nước từ một khe núi tại huyện Nam Đàn với giá 500 ngàn đồng 1 khối.

Bọn tôi giờ đang dùng hàng giả. Nếu như vậy là dùng hàng giả. Càng anh thoả thuận mua giá nước sông Lam nó đắt hơn”, anh Phong nói.

Giống như anh Phong nhiều người dân tại khối, phường Trung Đô cũng chấp nhận bỏ số tiền đắt gấp gần 50 lần so với giá nước sinh hoạt của Công ty CP Cấp nước Nghệ An do lo ngại không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.

Tất nhiên đó là với những người có điều kiện kinh tế, còn cuộc sống ở mức trung bình vẫn phải chấp nhận vài tuần lại phải thay lõi máy lọc.

Trong Kỳ họp Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp diễn ra vào năm 2019, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An khẳng định, sẽ phải tính khoản chênh lệch giữa nguồn nước thô sông Đào và nguồn nước thô sông Lam mà Cong ty CP Cấp nước Nghệ An sử dụng để trả lại cho người dân.

Tuy nhiên đã 4 năm trôi qua, người dân hiện tại vẫn phải sử dụng hai nguồn nước bị trộn lẫn.

nguoinghe.vn
Ảnh chụp màn hình

Sai phạm tại hệ thống đường ống D1000

Nguyên nhân của việc người dân TP. Vinh và các vùng phụ cận vẫn phải sử dụng thêm cả nguồn nước sông Đào do hệ thống đường ống D1000 xây dựng trái phép đã kết nối Nhà máy nước Hưng Nguyên với đường ống D700 hoà vào mạng cấp nước sạch của TP. Vinh

Theo báo kết quả xác minh của Ban Nội chính tỉnh Nghệ An thì đường ống cấp nước sạch D1000 do Công ty CP Cấp nước Nghệ An lắp đặt thuộc công trình xây dựng cấp I, hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công phải do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt nhưng Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công là không đúng quy định của pháp luật.

Công trình này cũng chưa được UBND Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư. Đường ống có đường kính là 1000mm của hệ thống dẫn nước này lớn hơn gấp nhiều lần công suất chuyển tải là 5 ngàn m3/ 1 ngày đêm của Nhà máy nước Hưng Nguyên.

nguoinghe.vn
Ảnh chụp màn hình

Thiếu đo lường việc sử dụng nguồn nước sông Đào

Việc vẫn sử dụng lượng lớn nước sông Đào làm nguồn nước thô còn được thể hiện tiền thuỷ lợi phí mà đơn vị sản xuất hiện đang đóng.

Với mức giá 945 đồng/m3 thì từ năm 2018 đến năm 2021 số tiền thuỷ lợi phí Công ty CP Cấp nước Nghệ An trả cho Công ty Thuỷ lợi Nam Nghệ An dao động trong khoảng từ 460 triệu đến 680 triệu 1 năm. Tuy nhiên đến năm 2022 số tiền này bỗng tăng vọt lên tới hơn 9,5 tỷ đồng.

Và cũng đúng vào thời điểm đó, địa bàn TP. Vinh xảy ra tình trạng nước bẩn đục khiến các cơ quan, ban ngành phải vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An nói: "Ngày 12/6 nước nó đục trên diện rộng, Công ty cũng tiến hành các giải pháp kỹ thuật là khoanh vùng và xúc xả toàn bộ hệ thống ống nước của TP. Vinh và vùng phụ cận".

nguoinghe.vn
Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An (Ảnh chụp màn hình)

Hơn 9,5 tỷ đồng tiền thuỷ lợi phí tương đương với hơn 10 triệu m3 nước sông Đào đã được bơm cho người dân TP. Vinh và vùng phụ cận sử dụng trong năm 2022.

Thế nhưng đây mới chỉ là con số mà lãnh đạo Công ty Thuỷ lợi Nam Nghệ An được thông báo, còn con số thực tế là bao nhiêu, thì đơn vị thuỷ lợi này cũng chẳng có cách nào nắm được.

Bởi muốn biết thì phải có đồng hồ đo lưu lượng nước sông Đào vào Nhà máy nước Hưng Vĩnh. Dù lãnh đạo Công ty Thuỷ lợi Nam Nghệ An đã nhiều lần đề nghị nhưng việc lắp đồng hồ vẫn chưa được thực hiện.

Ông Thái Văn Hùng – Giám đốc Công Thuỷ lợi Nam Nghệ An đề nghị: “Chúng tôi cũng mong muốn khi lắp đồng hồ nước thô đó thì sự chính xác và sự công bằng nó sẽ cao hơn và bảo đảm tính minh bạch trong vấn đề cung cấp nước thô”.

Sau sự cố nước sạch xảy ra vào năm 2022, Công ty CP Cấp nước Nghệ An cũng đã đầu tư nhiều dây chuyền thiết bị hiện đại tại tại Nhà máy nước Hưng Nguyên nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước đầu vào để xử lý tình trạng ô nhiễm của nguồn nước sông công ty này đã sử dụng gần 10 loại hoá chất khác nhau để dung hoà chất bẩn cũng như xử lý chất độc hại.

Tuy nhiên lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Nghệ An cũng thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế.

Tình trạng xác động vật, rồi nước thải sinh hoạt vào sông Đào vẫn có xả ra. Công ty cũng đã nắm được nguồn nước sông Đào có một số chỉ tiêu không bằng nước mặt ở sông Lam. Chính vì thế mà khoảng tháng 1/2020 Công ty CP cấp nước Nghệ An đã nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư dự án đổi mới công nghệ cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Hưng Nguyên từ nguồn sông Lam”, ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An cho biết.

Trao đổi với PV, Thanh tra tỉnh Nghệ An cho biết đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hoạt động của Công ty CP cấp nước Nghệ An trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Kết luận thanh tra sẽ sớm được công bố trong thời gian tới để làm căn cứ xử lý dứt điểm nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo trên địa bàn TP. Vinh và các vùng phụ cận trong nhiều năm qua.

Edit từ Nguyễn Sơn – Nguyễn Phương (Truyền hình VTV)