Vậy nhưng, suốt thời gian dài, Nghệ An chưa thể chốt được phương án xử lý kịp thời khiến khối tài sản lớn được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nhân dân đóng góp có nguy cơ trở thành lãng phí, xuống cấp nghiêm trọng.
Nhiều trụ sở, công sở...bỏ không
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 476 cơ sở cơ quan hành chính công lập, trụ sở làm việc, nhà văn hoá, hội quán….dôi dư sau khi sáp nhập. Đáng quan tâm, trong tổng số cơ sở dôi dư, riêng đơn vị cấp xã có 37 cơ sở; các khối, xóm dôi dư 400 cơ sở, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, các huyện dôi dư 39 cơ sở.
Qua đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vào cách đây chưa lâu, hiện tỷ lệ số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp quản lý, sử dụng đạt thấp so với tổng số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp sau sáp nhập mới chiếm gần 12% số cơ sở nhà đất phải sáp nhập; về diện tích đất phải sáp nhập chỉ chiếm 10,15%.
Trong khi đó, thực tế nhiều nơi chưa được tính toán căn cơ và định hướng lâu dài đối với phương án xử lý tài sản công dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị cấp xóm, xã trên địa bàn các huyện, thị xã.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện Nghệ An đang có 494/513 tổng số cơ sở đã được phê duyệt phương án sắp xếp được đề nghị giữ lại chứ không thanh lý. Cụ thể, hiện nay Nghệ An có 4.326 cơ sở nhà, đất thuộc diện phải sắp xếp sau sáp nhập nhưng có 1.608 thôn, xóm bị giảm sau sáp nhập xin giữ lại để sử dụng.
Tuy nhiên, sau sáp nhập, nhiều trụ sở hành chính cấp xã như tại Nghĩa Liên, Nghĩa Thắng (Nghĩa Đàn), hay Nghĩa Hòa (thị xã Thái Hòa), Hưng Nhân (Hưng Nguyên); Diễn Minh, Diễn Bình (Diễn Châu)…hiện đang bị bỏ không suốt hơn 2 năm nay, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Với thực trạng này, nếu các cơ quan chức năng không sớm đưa ra phương án xử lý, sử dụng thì nguy cơ gây lãng phí tài sản công trong tương lai ngắn sẽ xảy ra.
Ông Nguyễn Trung Long - Trưởng phòng quản lý giá và công sản (Sở Tài chính Nghệ An) cho biết hiện đơn vị đang đang tổng hợp, tiếp nhận hồ sơ xử lý tài sản sau sáp nhập từ các huyện, thị báo cáo gửi về.
Đối với khuôn viên nhà văn hóa khối, xóm của một số địa phương, tỉnh cơ bản tôn trọng ý kiến của người dân sẽ giữ lại nhưng với những tài sản có giá trị lớn phải có phương án xử lý lập hồ sơ trình HĐND tỉnh quyết định theo quy định pháp luật hiện hành.
Đôn đốc sắp xếp, xử lý tài sản công
Để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây vào ngày 06/4/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 2484/UBND-KT yêu cầu, đối với việc hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An giao các Sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và các doanh nghiệp nhà nước thực hiện thực hiện rà soát, đánh giá, chủ động báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi gửi UBND tỉnh để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính.
Tại công văn nói trên, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu chậm nhất ngày 10/5/2023, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành rà soát tất cả các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý đối với việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công phải báo cáo.
Trên cơ sở đó, xác định chính xác số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý; tiến độ kê khai, báo cáo, lập phương án xử lý, phê duyệt phương án xử lý gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/5/2023.
Tỉnh Nghệ An cũng giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch và tổ chức triển khai kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, chú trọng kiểm tra việc thực hiện phương án đối với các cơ sở nhà, đất thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, đấu giá đưa vào sử dụng, tránh gây lãng phí…
Trước đó, vào tháng 6/2022, chủ trì về phiên giải trình công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, ông Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu gắn trách nhiệm người đứng đầu, phân công phân nhiệm rõ ràng để làm tiêu chí đánh giá xếp loại; phân công anh em xuống cơ sở thực hiện đo đạc, lên phương án xử lý.
Việc rà soát lại quy hoạch đất đai, thiết chế văn hóa, thể thao, nhu cầu cộng đồng để có phương án sử dụng hiệu quả nhất. Song song với đó, thống kê, rà soát lại tất cả trụ sở các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn không còn nhu cầu sử dụng để lên phương án phát huy tối đa nguồn lực này cũng được người đứng đầu HĐND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở, ngành, địa phương liên quan.
Được biết, vào ngày 23/2/2023, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành văn bản 1136/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bằng văn bản nói trên, UBND tỉnh Nghệ An giao các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết.
UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo kết quả về Sở Tài chính trước ngày 30/4/2023. Đối với việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết của ngành, địa phương, đơn vị mình về Sở Tài chính trước ngày 15/4/2023.
Dư luận cho rằng, với hàng loạt các công trình trụ sở sử dụng tài sản công được xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện đang bỏ không sau khi sáp nhập nếu không sớm đưa ra phương án xử lý, tái sử dụng kịp thời sẽ gây lãng phí. Cùng với đó, nhiều hệ luỵ phát sinh nếu tài sản công bỏ không kéo dài sẽ rơi vào trạng thái “cha chung không ai khóc”.
Theo Ngọc Thái - diendandoanhnghiep.vn