Chiều nay (6/4), trao đổi với VietNamNet, ông Vy Mỹ Sơn – Phó Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi VietNamNet phản ánh, Ban đã thành lập đoàn lên kiểm tra thực tế tại bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương), kết quả cho thấy các số liệu cơ bản như báo đã nêu.

"Để giữ được đàn bò phát triển, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các nội dung cam kết. Đồng thời, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ tiêm những con bò gầy yếu, hướng dẫn người dân cho bò ăn thêm các thức ăn như thân chuối trộn với cám. Hiện giờ là mùa khô nên khu vực đàn bò sinh sống đang thiếu cỏ" - ông Sơn thông tin ban đầu.

Trước đó, ông Sơn cho biết, toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc Ơ Đu chưa được quyết toán. 

rr-1680844573.jpg
Ông Vy Mỹ Sơn – Phó Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Ảnh: QH

Theo ông Sơn: “Bò và chuồng đã đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán. Công an vào cuộc từ tháng 4/2020 và giữ hồ sơ cho đến nay. Nhà bị tháo dỡ thì không biết quyết toán bằng cách nào đây”.

Cũng theo ông Sơn, người dân ở bản Văng Môn đều di chuyển từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ về đây tái định cư nên không có vùng nuôi thả bò. 

Về trách nhiệm liên quan đến việc người dân bán bò và chuồng bò, ông Sơn cho hay, “chúng tôi đã bàn giao bò, chuồng cho người dân và đã kết thúc dự án mà không triển khai thêm. Cái này thuộc về trách nhiệm người dân và địa phương cấp xã quản lý. Người dân tự bán thì cũng khó phát hiện”.

67-1680844595.jpg
Chuồng bò đã bị tháo khung sắt, mái lợp bán vào sử dụng mục đích khác. Ảnh: Quốc Huy

“Khi bàn giao chuồng bò không lường trước được việc người dân tháo bán... Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền xã, huyện để duy trì đàn bò”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng thừa nhận, mỗi con bò một ngày bình quân ăn hết 30kg cỏ tươi. Tuy nhiên, đàn bò hỗ trợ cho đồng bào người Ơ Đu không đủ nguồn thức ăn nên bò gầy.

Khó xử lý 

Liên quan đến việc người dân Ơ Đu bán bò, bán chuồng sau khi được hỗ trợ, ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, đã nắm được thông tin, phía UBND xã Nga My đã có văn bản báo cáo sự việc gửi về huyện.

“Ngay từ bàn giao con giống, lãnh đạo huyện cùng phòng nông nghiệp về tại bản Văng Môn (xã Nga My) ký cam kết với từng hộ dân không tự ý bán bò, chuồng trại.

Đồng thời, thường xuyên tư vấn cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Thế nhưng lại xảy ra việc bà con tự ý bán tài sản (con bò, chuồng trại – PV)”, ông Nhất chia sẻ.

Theo ông Nhất, việc đầu tư đồng bộ từ chuồng trại, con giống cùng các thiết bị chăn nuôi khác đi kèm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân nhanh chóng tăng trưởng đàn vật nuôi.

“Sau giao nhận, ký cam kết, tài sản là của dân. Việc người dân tự ý bán bò, chuồng trại, không có căn cứ pháp lý để tiến hành xử phạt”, ông Nhất thông tin.

5-1680844617.jpg
Chuồng bò được xây dựng kiên cố cho đồng bào Ơ Đu ở Nghệ An. Ảnh: QH

Theo thống kê của UBND xã Nga My, bản Văng Môn được cấp 304 con bò giống cho 77 hộ dân. Đến thời điểm hiện tại có hơn 100 con bò chết hoặc bị bán ra khỏi địa phương, mới chỉ có 6 hộ có bò đẻ thêm, số còn lại phát triển bình thường.

Trước đó, theo chủ trương của tỉnh Nghệ An, năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã xây 67 chuồng trại cho 77 hộ dân với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng.

Trong đó, có 4 chuồng loại 1 giá 127 triệu đồng/chuồng (tổng 508 triệu đồng), 10 chuồng loại 2 giá 236 triệu đồng/chuồng (tổng 2,36 tỷ đồng), 53 chuồng loại 3 giá hơn 136 triệu đồng/chuồng (tổng 7,24 tỷ đồng).

Theo Quốc Huy - Trần Văn Tuyên - vietnamnet.vn