Theo Sở NN&PTNT, việc xây dựng Nghị quyết nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, tạo nguồn lực thu hút được lực lượng lao động tham gia lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; khắc phục tình trạng lao động xin thôi việc, bỏ việc đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đang xảy ra hiện nay.

Sở NN&PTNT đề xuất mức chi hỗ trợ đơn giá bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng cửa rừng do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng trực tiếp quản lý bảo vệ nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng hoặc đã được bố trí nhưng đơn giá thấp hơn 300.000 đồng/ha/năm để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm. Cụ thể: Đối với diện tích chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng thì hỗ trợ mức 300.000 đồng/ha/năm. Đối với diện tích đã được bố trí kinh phí quản lý bảo vệ rừng, bao gồm cả kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng đơn giá nhỏ hơn 300.000 đồng/ha/năm thì hỗ trợ bổ sung để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm.

Đối tượng được áp dụng Nghị quyết này là các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; các Tổng đội TNXP; các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp nhà nước; tổ chức nhà nước khác không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng và đất rừng (gọi tắt là chủ rừng) được tổ chức Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định tại Điều 15, Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ.

Độc giả xem toàn văn Dự thảo Nghị quyết và tham gia góp ý tại đây.

Nghệ An hiện có 19 chủ rừng là tổ chức nhà nước được thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gồm: 11 Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, 4 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp; 4 Tổng đội TNXP. Riêng Tổng đội TNXP 3 hiện nay đang trong quá trình thực hiện giải thể. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gồm có viên chức và lao động hợp đồng; số lượng viên chức và lao động hợp đồng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tổng hợp từ các chủ rừng, tổng số người lao động, làm việc có đến ngày 30/5/2022 là 955 người.  Bao gồm: thuộc biên chế viên chức là 172 người (17%); hợp đồng dài hạn theo diện tự trang trải là 658 người (66%); hợp đồng thời vụ ngắn hạn là 159 người (16%); hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 6 người (1%).

Trong tổng số 955 người thì số lao động đang trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng là 479 người, bao gồm: thuộc biên chế viên chức là 13 người (17%); hợp đồng dài hạn theo diện tự trang trải là 317 người (66%); hợp đồng thời vụ ngắn hạn là 37 người (8%); Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 2 người (dưới 1%).

Khó khăn nhất hiện nay của các chủ rừng là không cân đối được nguồn thu có tỉnh ổn định để đảm bảo được nhân lực, vật lực, tài chính cho công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ rừng, dẫn đến mất cân đối giữa nhiệm vụ được giao và nhân lực, vật lực được đầu tư hỗ trợ hàng năm để thực hiện nhiệm vụ./.