Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự thay đổi tích cực
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn vốn cho các dự án đã có, người dân mong mỏi, đất nước trông chờ, yêu cầu công việc cao, đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm. Đồng thời, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết: Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 Nghị quyết, 4 công điện, 7 văn bản; tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 06 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân... Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Vốn trong nước là 246.525,55 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021. Có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, có 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó, có 14 bộ, cơ quan Trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán. Minh chứng rõ ràng là kết thúc 08 tháng, tỷ lệ giải ngân cả nước mới đạt 39.15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng 01 tháng, tiến độ giải ngân đã có sự thay đổi tích cực khi đạt tỷ lệ 46,7%.
Bên cạnh đó, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 cao hơn khoảng 80 nghìn tỷ đồng so với năm 2021 cùng với khó khăn đặc thù do năm 2022 là năm thứ hai của Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch, triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiến độ giải ngân đã đạt những kết quả tích cực. Trong đó, số tuyệt đối giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021. Riêng vốn ngân sách Trung ương giải ngân 89.911 tỷ đồng, đạt 37,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 cả về số tuyệt đối giải ngân 13,664 tỷ đồng và về tỷ lệ giải ngân.
Về triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2022, việc ban hành chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả nhất định. Trung ương đã ban hành 118 văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; 51/63 địa phương đã ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, 5/63 địa phương tự cân đối ngân sách đã ban hành quy định phân bổ vốn ngân sách địa phương...
Đến ngày 23/9/2022, có 47/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 03 chương trình mục tiêu Quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.
Đảm bảo thực hiện đầu tư công tập trung, chất lượng, hiệu quả
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và thực hiện 03 chương trình mục tiêu Quốc gia. Trong đó, phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt triển khai các giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vừa bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa bảo đảm đưa các công trình vào hoạt động sớm, phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi theo quy định tại Nghị quyết số 124/NQ-CP. Giao Bộ KH&ĐT tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong việc tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư công. Các ý kiến tham gia bảo đảm yêu cầu về chất lượng, yêu cầu về tiến độ để công tác quản lý kế hoạch đầu tư công được kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư và giải ngân, hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương. Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023, tích cực giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không để chậm trễ.../.