Có không việc chính quyền xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An tiếp tay cho đất tặc ngang nhiên lộng lành?
 
Xe tải rầm rầm "ăn đất", nhà dân bạc phếch vì bụi
 
Thời gian vừa qua, PV Báo Giao thông nhận được phản ánh của bạn đọc về việc một số đối tượng ngang nhiên mang máy vào múc đất dưới lòng đập Khe Ngang (ở thôn 1, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) để bán gây thất thoát tài nguyên khoáng sản và có nguy cơ gây hệ lụy cho kết cấu công trình đập.
 
Chiều ngày 22/4, có mặt tại đập Khe Ngang, PV ghi nhận được một máy múc đang múc đất ở dưới lòng hồ chất lên các xe tải để chở đi ra ngoài. Trong một thời gian ngắn, PV đếm được hơn chục xe tải các loại ra vào “ăn đất” tại đây.
 
Do xe tải hoạt động liên tục nên đoạn đường đất đi trong khu dân cư bị cày nát, chi chít ổ voi, ổ gà và sống trâu. Cây xanh, nhà cửa người dân hai bên đường bạc phếch vì bụi đất.
 
Đặc biệt, trong đoàn xe ra vào lấy đất, nhiều xe chở đất cao quá thành thùng nhưng không phủ kín bạt khiến đất đá rơi vãi khắp đường gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về TNGT. Điển hình như các xe: 37C - 073.93, 37C - 263.66, 37C - 082.73, 37C - 116.47, 37C - 233.83… Sau khi từ đập ra đến đường tỉnh 542E, các xe này tỏa đi các hướng khác nhau.
 
Theo chân 2 xe tải lấy đất ở đây, chúng tôi phát hiện các xe lần lượt đổ đất cho các hộ dân ở xóm 5 và xóm 12 của xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên.
 

 
Những chiếc xe tải chở cao ngút thành, cày nát tuyến đường đất từ đập ra đường tỉnh 542E
 
Một người đàn ông sống gần đập cho biết: Tình trạng khai thác đất để bán diễn ra đã khoảng 2 năm nay. Họ bán khắp mọi nơi, miễn là có người mua. Bình thường có xe tưới nước mặt đường để tránh bụi, hôm nay không hiểu vì sao xe tưới nước không hoạt động.
 
Có cùng quan điểm, một người phụ nữ khác cho biết: Có những thời điểm, cả mấy chục xe chạy liên tục nên mặt đường chỉ ướt được một lúc rồi lại bụi mù mịt. Người dân muốn ăn uống, sinh hoạt phải đóng kín tất cả các cửa trong nhà.
 
Một người đàn ông khác nghi vấn: "Sự việc đã diễn ra hơn 2 năm nay, từng đoàn xe ra vào lấy đất hàng ngày; người khai thác đất còn dùng xe nước, tưới ướt mặt đường cho đỡ bụi chứng tỏ họ được chính quyền địa phương cho phép (!?)".
 

 
Nhiều xe tải không phủ kín bạt khiến đất đá rơi xuống đường gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT
 
“Ngoài thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, việc lấy đất dưới lòng hồ sẽ tạo nên việc tăng lượng nước tích trữ trong hồ. Nếu lượng nước tích trữ quá mức sẽ ảnh hưởng đến kết cấu thân đập, tiềm ẩn nguy cơ gây vỡ đập thì hệ lụy sẽ khôn lường”, người đàn ông phân tích thêm.
 
Chính quyền cứ đi bắt, "đất tặc" lại đưa máy về nhà
 
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tú Sáu - Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An thừa nhận: Có việc một số đối tượng đưa máy đến múc đất dưới lòng hồ đập Khe Ngang để bán. Tuy nhiên, ông Sáu khẳng định, những đối tượng đó khai thác đất trộm để bán và chủ yếu bán cho các hộ dân có nhu cầu san lấp.
 
“Xã có nắm được vấn đề này và đã nhiều lần cho địa chính ra kiểm tra và xử lý. Mỗi khi chính quyền địa phương có mặt, các đối tượng khai thác đất lại đưa máy móc về nhà, dừng khai thác. Xã cũng đã mời 1 chủ máy múc đất lên làm việc 2 lần. Anh này thừa nhận hành vi múc đất trộm để bán và hứa không tái phạm nên xã chỉ nhắc nhở”, ông Sáu nói.


 
Sau khi ra đến đường tỉnh 542E, các xe tải chở đất tỏa đi các hướng khác nhau
 
Ông Sáu cho biết thêm: Năm 2006 đập Khe Ngang được xây dựng cho đến năm 2016 mới hoàn thành với trữ lượng nước thiết kế lên đến 1,3 triệu mét khối. Đập cho nhiệm vụ cấp nước cho 160 ha lúa (trong đó 120ha đất 2 lúa; 40ha đất 1 lúa, 1 màu) và nước sinh hoạt cho hàng người dân trong xã.
 
Năm 2009, do hạn hán nên đập bị khô hạn trơ đáy, không đủ nước tưới tiêu và sinh hoạt cho người dân. Trong khi đó, đất trong lòng hồ bị bồi lấp nhiều, đặt ra cho chính quyền địa phương phải có phương án nạo vét.
 
Năm 2013, xã có tờ trình xin huyện Hưng Nguyên để được phép nạo vét. Tuy nhiên, sau khi xem xét, huyện trả lời việc lấy đất liên quan đến khoáng sản, do UBND tỉnh quyết định. Do nhu cầu cấp thiết trong khi kinh phí hạn hẹp, nên sau khi HĐND xã thông qua, UBND xã đã cho nạo vét lòng hồ và có bán đất với giá 3000 đồng/khối. Tuy nhiên, triển khai được một năm, thì báo chí phản ánh nên xã đã dừng lại từ đó đến nay.


 
Sau khi đất bị múc đi, lòng hồ nham nhở đất đá
 
“Kể từ đó, thi thoảng lại có một số người dân đưa máy vào múc đất bán, xã nghe tin chạy vào thì họ lại dừng. Khi mời lên trụ sở xã làm việc thì họ nhận lỗi và hứa không khai thác nữa nên xã chỉ nhắc nhở”, ông Sáu nói.
 
Cũng theo ông Sáu, đập Khe Ngang có một vai trò rất quan trọng cho tưới tiêu và sinh hoạt của địa phương nhưng từ 2006 đến nay đã có 5 - 6 lần bị hạn khô đáy. Đặc biệt, vào năm 2015 - 2016, đập cạn nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân. UBND xã phải thuê 10 máy bơm công suất lớn mua nước ở xã Hưng Trung sang đập để tích trữ. Cho nên, việc múc đất trong lòng hồ cũng ít nhiều tăng được trữ lượng nước cho đập.
 
Tiếp nhận phản ánh của PV, ông Sáu cho biết thêm: Để xử lý triệt để thực trạng này, thời gian tới, xã sẽ cho cắm biển cấm khai thác đất tại đập. Đồng thời cắt cử lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và sẽ xử phạt nghiêm những trường hợp khai thác đất trộm để bán.
 

 
Đập Khe Ngang nhìn qua google earth
 
Trách nhiệm thuộc về chính quyền xã
 
Ông Ngô Phú Hàn - Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho biết: Nói về trách nhiệm quản lý đất đai mà cụ thể là đất trong đập Khe Ngang thì đầu tiên phải là UBND xã Hưng Yên Bắc rồi đến Phòng TN&MT huyện.
 
Đập Khe Ngang có vai trò rất quan trọng trong việc cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu đồng ruộng cho người dân xã Hưng Yên Bắc. Tuy nhiên, không thể vì muốn tăng lượng tích trữ nước mà để một số đối tượng vào khai thác đất, bán trục lợi. Để xảy ra như thế là sai hoàn toàn và trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền cấp xã.
 
Tôi sẽ chỉ đạo UBND xã và giao Phòng TN&MT huyện kiểm tra lại và chấn chỉnh tình trạng này. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, sẽ có hình thức xử lý, kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã”, ông Hàn nói.
 
Cũng theo ông Hàn: Nếu xã muốn tăng lượng nước tích trữ trong hồ thì phải làm tờ trình báo cáo huyện. Huyện sẽ giao phòng chuyên môn nghiên cứu và xin cấp cao hơn quyết định (nếu vượt thẩm quyền của huyện) để có phương án cải tạo lòng hồ mà không gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước.