v-1677244851.jpeg
Ảnh minh họa

Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết năm 2022, chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có nhiều đổi mới và đạt được kết quả tích cực trên cả 5 phương diện.

Một là số lượng dự án FDI tăng cao; Hai là vốn đăng ký đầu tư vượt mục tiêu đề ra; Ba là cơ cấu thu hút đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài; Bốn là lĩnh vực đầu tư chuyển mạnh sang sản xuất công nghiệp; Năm là địa bàn thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp là động lực tăng trưởng của tỉnh.

So với các năm trước, kết quả thu hút đầu tư năm 2022 tăng cả về quy mô, số lượng và chất lượng dự án, nhất là các dự án FDI. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 45.764,5 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất cả nước (tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 31/12/2022 là 961,3 triệu USD). Lũy kế đến nay, Nghệ An đã thu hút được 115 dự án FDI còn hiệu lực thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đăng ký trên 2,5 tỷ USD.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nghệ An đang tăng nhanh, quy mô các dự án ngày càng lớn và tiếp tục mở rộng. Các doanh nghiệp FDI đang đóng góp khoảng 30 - 35% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách cho tỉnh này, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Nghệ An thì hiện nay trong xúc tiến, thu hút đầu tư, địa phương cũng đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Nổi lên đó là môi trường đầu tư mặc dù đã có những cải thiện nhưng chưa thực sự bền vững; giám sát, đôn đốc và hỗ trợ triển khai dự án sau cấp phép chưa thực sự hiệu quả.

Trong khi đó, tiến độ triển khai thực hiện các dự án sau cấp phép hầu hết còn chậm, một số dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã đăng ký dẫn đến phải gia hạn tiến độ hoặc chấm dứt hoạt động dự án.

Ngoài ra, kết quả thu hút đầu tư chủ yếu tập trung một số dự án sản xuất công nghiệp lớn; chưa thu hút được các dự án thuộc lĩnh vực khác nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như các dự án nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, dự án du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng

Năm 2023, giải pháp được tỉnh Nghệ An đề ra là đổi mới xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa hình thức thực hiện, tăng cường các hoạt động hợp tác, xúc tiến trực tiếp với các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước; hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư và chuyên nghiệp hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn quốc tế để tạo điểm nhấn quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiếp tục rà soát, xử lý dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư nước ngoài... Kết nối, phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng để kêu gọi thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào tỉnh Nghệ An.

Cùng với đó rà soát, cập nhật và công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2023 nói riêng và giai đoạn 2020 - 2025 nói chung gắn với xây dựng và đề xuất mới danh mục các dự án nằm trong quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh để kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; hoàn thiện và ban hành sổ tay hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; hoàn thành quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra; hoàn thành lập Đề án Mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2023, Nghệ An phấn đấu thu hút từ 100 - 120 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 32.000 - 35.000 tỷ đồng; trong đó, vốn FDI khoảng 500 - 600 triệu USD.

Theo Nguyễn Thuấn - Vneconomy.vn