Những điểm nhấn trong năm 2021
Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, tuy nhiên, công tác phòng chống dịch tại KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An được Ban Quản lý KKT Đông Nam triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thu hút đầu tư tiếp tục có nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư FDI và nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
Tính đến ngày 31/12/2021, Nghệ An đã cấp mới chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng vốn đăng ký 11.100 tỷ đồng; trong đó có 5 dự án FDI, vốn đăng ký 407 triệu USD; 1 dự án kinh doanh hạ tầng KCN, vốn đăng ký 750 tỷ đồng; Điều chỉnh 44 lượt dự án, trong đó có 11 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn điều chỉnh tăng thêm 2.000 tỷ đồng. Tổng vốn cấp mới và điều chỉnh đạt 13.100 tỷ đồng/kế hoạch: 15.000 - 20.000 tỷ đồng, đạt 87,3%.
Năm 2021, Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai I (264,77ha); Dự án điều chỉnh Khu công nghiệp WHA Industrial Zone - 1 Nghệ An (354,5ha). Hiện đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định dự án Khu công nghiệp Thọ Lộc (600ha), dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai II (330,43ha).
Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), cơ quan này cũng đã tham mưu cấp GCNĐT cho Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH công nghệ Everwin Precision (200 triệu USD) vào KCN VSIP Nghệ An; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng của Tập đoàn Quốc tế Ju Teng (Đài Loan) (200 triệu USD) vào KCN Hoàng Mai 1. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án KCN, đô thị và dịch vụ VSIP (tăng 750 tỷ đồng).
Lũy kế đến hết năm 2021, trong KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An có 256 dự án đang còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 75.000 tỷ đồng (khoảng 3,24 tỷ USD), trong đó 51 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,34 tỷ USD.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An có mức tăng trưởng cao: doanh thu năm 2021 ước đạt hơn 57.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 14.727 tỷ đồng, gấp 2,24 lần so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước 2.162 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Đã giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động với thu nhập bình quân người lao động đạt trên 7.500.000 đồng/tháng, số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm 6.440 người (mức tăng cao nhất từ trước đến nay).
Tăng tốc và bứt phá
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cho biết, thời gian tới Nghệ An sẽ mở rộng, phát triển khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (đổi tên thành khu kinh tế Nghệ An) trở thành vùng động lực phát triển chính của tỉnh với tổng diện tích 105.585ha (bao gồm 94.585 ha mặt đất và 11.000ha mặt biển).
Theo ông Trị, Nghệ An tiếp tục xác định 3 nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt là đối tác chiến lược để phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, tập trung tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các dự án đang triển khai.
Cùng với đó, phát triển thêm các dự án hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ và có liên quan; tập trung thu hút đầu tư và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thứ cấp quan trọng, quy mô lớn, tạo sức lan toả thu hút nhiều dự án vệ tinh hỗ trợ khác, dự án hạ tầng cảng biển và dịch vụ logictis, các dự án đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng và đô thị ven biển, các dự án khu nhà ở công nhân và dịch vụ liên quan; chủ động liên kết, hợp tác, kết nối cung cầu lao động nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các dự án sản xuất trọng điểm.
Đồng thời, thực hiện kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư sau cấp phép, đánh giá sát thực, cụ thể để đôn đốc triển khai các dự án theo tiến độ cam kết; phát hiện, xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, không triển khai, dự án sử dụng đất kém hiệu quả.
Năm 2022, Nghệ An phấn đấu thu hút được khoảng 20 - 25 dự án, trong đó có 1 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu chức năng trong KKT Đông Nam hoặc KCN; tổng vốn đầu tư đăng ký dự kiến đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư FDI khoảng 400 triệu USD.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, ông Lê Tiến Trị cho hay, Ban sẽ tham mưu, đề xuất bổ sung Khu kinh tế Đông Nam vào nhóm các khu kinh tế ven biển tập trung đầu tư phát triển từ nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An từ nguồn vốn đầu tư công.
Hoàn thành dứt điểm các dự án đang triển khai dở dang, như: các tuyến đường giao thông N2, N5, N5 đoạn 2, D4,...; khởi công xây dựng mới một số công trình có ý nghĩa quan trọng trong công tác thu hút đầu tư, như: Cầu vượt đường sắt trên tuyến đường N2 nối KCN Thọ Lộc với QL1A; Đường N3 nối QL1A với KCN Hoàng Mai I; Kênh thoát nước dọc đường N5,.... Tiếp tục thu hút, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp: VSIP, WHA Hoàng Thịnh Đạt,... triển khai dự án hiện có và phát triển các dự án mới trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 5 năm 2021-2025, phấn đấu thu hút được trên 100 - 120 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD. “Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An đặt quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết một lòng, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông Trị nói./.