UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 5277/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 ban hành Đề án phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Nghệ An có khoảng 32.500-34.500 doanh ngiệp; tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên chiếm khoảng 3-4% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động.
Bình quân hàng năm, các doanh nghiệp tạo việc làm mới cho khoảng 20.000-25.000 lao động; phấn đấu đến năm 2025, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65% thu ngân sách của tỉnh; huy động vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 35-40% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh...
Đề án phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025 hướng đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp về cả số lượng và chất lượng, trọng tâm là phát triển chất lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; tạo thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động và mở rộng quy mô hình thành một số doanh nghiệp “đầu tàu”, có nguồn lực mạnh để đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng, từ đó tác động lan tỏa đến phát triển doanh nghiệp của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh, cả nước và quốc tế; đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và tỷ trọng GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đề nghị tập trung thực hiện các nội dung: Chú trọng phát triển doanh nghiệp theo hướng hình thành cụm liên kết, chuỗi giá trị; khuyến khích và hỗ trợ các hộ kinh doanh có đủ khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp. Ươm tạo doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực có sản phẩm xuất khẩu và có giá trị tăng cao. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường. Phát triển doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Cụ thể, về dịch vụ: Phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thương mại, logistics, giáo dục đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu.
Về công nghiệp: Chú trọng phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh học, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm số; các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Hình thành cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu gắn với chuỗi giá trị trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp gắn liền với khai thác có hiệu quả Cảng biển Cửa Lò, Cảng Đông Hồi.
Về nông nghiệp: Phát triển doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến; đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất quy mô lớn.
Đề án cũng đã đưa ra các giải pháp phát triển doanh nghiệp, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò phát triển doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó chú trọng thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng, toàn diện đối với nền hành chính – công vụ, trước hết là thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Để phát triển doanh nghiệp về số lượng: Tổ chức phát động mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện để thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp... Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
UBND tỉnh đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên khởi nghiệp; biểu dương, tôn vinh các gương đoàn viên, hội viên khởi nghiệp thành công; vận động các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, tiến tới thành lập doanh nghiệp. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp; thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp; các hội, hiệp hội doanh nghiệp và VCCI Nghệ An trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp, là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí hằng năm để triển khai thực hiện theo quy định, đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi./.