nguoinghe.vn
Mỏ cát thuộc Công ty TNHH Thương Mại Tổng Hợp Bảo Ngân bị nhân dân tố gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn.

Thời gian vừa qua, PV Môi Trường và Đô Thị nhận được rất nhiều phản ánh của người dân tại xóm Thắng Lợi, xã Bồi Sơn về tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn từ các xe trọng tải lớn vận chuyển cát cả ngày lẫn đêm chạy qua đường dân sinh từ mỏ cát thuộc Công ty TNHH Thương Mại Tổng Hợp Bảo Ngân trong khu vực đi tiêu thụ. Tình trạng này diễn ra hàng ngày khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Theo ghi nhận của PV tại khu vực mỏ cát, mỗi ngày có hàng chục lượt xe trọng tải lớn ra vào ồ ạt khu vực mỏ để vận chuyển cát mang đi nơi khác để tiêu thụ. Các xe vận chuyển cát rơi vãi ra mặt đường, gây bụi bặm ô nhiễm môi trường.

Đây là tuyến đường dân sinh đấu nối trực tiếp với tuyến đường liên xã Ngọc - Lam - Bồi, mới được xây dựng đường vào năm 2023 và bây giờ trở thành đường cho xe chở cát qua lại, trước đây là đường đất, nhưng theo ghi nhận đường mới chỉ làm xong khoảng hơn 200 mét ở phía ngoài nối với đường liên xã, phía bên trong gần mỏ cát thì vẫn là đường đất nên dẫn đến việc khi chở cát ra ngoài, cát ướt gặp đường đất nên sẽ bám vào bánh xe, chở ra ngoài đường bê tông thì bụi bẩn sẽ kéo theo gây ô nhiễm, càng đi vào gần mỏ cát bụi bẩn tầng tầng lớp rơi vãi dưới đường dân sinh, cây cối trắng bạc do bụi bám cả hai bên đường.

nguoinghe.vn
Tầng tầng lớp lớp bụi bám đầy đường, phía trong gần khu vực vào mỏ cát đang là đường đất dẫn đến tha đất, bụi bặm ra đường ngày càng nhiều hơn.

Theo ông B, một người dân sống gần mỏ cát than thở :“ Chú thấy đó, xe mà cứ chạy rầm rầm như thế này thì ai mà chịu được, toàn xe lớn chở cát đi vào đường bê tông này, mỗi lần xe chạy qua chúng tôi đều phải đóng cửa lại, xe có cát thì chạy chậm hơn, chứ xe không có cát là chạy nhanh vào mỏ, mà mỗi lần chạy là bụi bay sau xe mù mịt, bụi bặm trong nhà quét lúc sáng thì chiều bụi đã bám khắp nhà, khắp sân, không chỉ chạy buổi ngày, đêm đến họ cũng chở cát hoạt động suốt, hai ba giờ sáng mà xe vẫn chạy, xe thì lớn tiếng ầm ầm, gia đình chúng tôi là người già cả, không tài nào ngủ được. Người dân trong xóm đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và đã có gửi đơn thư phản ánh, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm do hoạt động của mỏ cát này vẫn diễn ra hàng ngày”.

Chị H nhà một bên cạnh nhà ông B bức xúc tiếp lời:“ Mời anh sang nhà em mà xem bụi bẩn bám khắp nền nhà đây, em mới quét lúc sáng đấy, chiều nay lại cả một nền bụi, nhà em có con nhỏ, đêm đến là xe chở cát chạy ầm ầm, tiếng còi inh ỏi, không thể ngủ được”.

nguoinghe.vn
Đơn thư của hơn 50 hộ dân ký phản ánh lên chính quyền về việc ô nhiễm môi trường của mỏ cát, nhưng tình trạng vẫn diễn ra hàng ngày.

Trao đổi với PV về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bồi Sơn, cho biết : “Tình trạng này UBND xã cũng đã nắm được khi dân lên phản ánh, đã cho người xuống kiểm tra và nhắc nhở mỏ cát phải vệ sinh đường sạch sẽ đảm bảo cho người dân sống gần đây, về đơn thư này dân nói gửi lên xã nhưng bây giờ thì tôi mới nắm được, chính quyền sẽ xử lý triệt để tình trạng này. Về thủ tục đấu nối đường nhánh vào đường liên xã thì chắc chắn là chưa làm được, đường mới xây dựng được một đoạn đó chủ đầu tư cũng chính là công ty Bảo Ngân có mỏ cát đó xây dựng, còn đoạn phía trong mỏ cát đang là đường đất thì tôi được biết là do nguồn vốn chưa có”.

nguoinghe.vn
Các xe nối đuôi nhau chạy cả ngày và đêm khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Viêc chưa hoàn thiện thủ tục đấu nối, chưa thực hiện đường để vận chuyển khiến mỗi lần xe chở cát ra ngoài là bụi trắng trời. Bên cạnh đó, theo quan sát của Phóng viên, hầu hết các xe vào vận chuyển cát đều không qua trạm cân khả năng có nguy cơ thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách nhà nước.

Công ty TNHH Thương Mại Tổng Hợp Bảo Ngân có địa chỉ tại: Xóm 5, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Người đại diện pháp luật là ông Hoàng Ngọc Thành.

Trước thực trạng ô nhiễm do công ty gây ra, chính quyền huyện Đô Lương cùng các cơ quan chức năng liên quan cần có biện pháp mạnh mẽ, giải quyết triệt để nhằm ổn định cuộc sống của người dân địa phương.