Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 1A (ngã ba Quán Bàu) đến đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh (thuộc địa phận xã Nghi Phú, TP. Vinh) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại QĐ số 2112/QĐ.UB-CN ngày 11/6/2004. Theo thiết kế, tuyến đường có chiều dài 990 m, rộng 72 m. Bao gồm: Lòng đường 32 m, dải phân cách 16 m và vỉa hè 24 m với tổng mức đầu tư hơn 63,4 tỷ đồng. Tiến độ thi công hoàn thành trước ngày 19/5/2005.
Mục tiêu của dự án là triển khai thực hiện quy hoạch phát triển đô thị TP Vinh; khai thác nguồn quỹ đất trong các khu quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; tạo các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư và phục vụ du lịch.
Dự án được giao cho Ban Quản lý các dự án Xây dựng dân dụng và Kỹ thuật hạ tầng đô thị tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư (thuộc Sở Xây dựng), nay là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Nghệ An (thuộc UBND tỉnh Nghệ An). Nhà thầu thi công dự án là Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, có trụ sở tại số 34, đường Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, sau hơn 18 năm triển khai cùng 4 lần điều chỉnh dự án, đến tháng 1/2022, dự án này có tổng mức đầu tư lên đến 275,5 tỷ đồng (tức là “đội vốn” gấp 4 lần so với ban đầu). Trong đó, chi phí xây dựng hơn 65 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 203,5 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án gần 1,1 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 2,5 tỷ đồng, hạng mục đảo giao thông hơn 1,6 tỷ đồng, chi phí khác hơn 1,6 tỷ đồng...
Đến ngày 7/10, UBND tỉnh Nghệ An có tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại tờ trình, dự án này tiếp tục tăng từ 275,5 tỷ đồng lên 281 tỷ đồng; tiến độ thực hiện hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Và chỉ sau đó ít ngày, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An ngày 12/10/2022, đã thông qua Nghị quyết số 52/NQ-HĐND thống nhất để UBND tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 1A (ngã ba Quán Bàu) đến đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ghi nhận thực tế tại hiện trường cho thấy, trên tuyến đường, hiện khoảng 200m ở đoạn giữa, phần đường phía bắc giải phân cách vẫn đang là đường đất ngập trong bùn đất.
Còn giữa giải phân cách, nhiều cấu kiện và vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang cùng với nhiều loại rác thải sinh hoạt chất thành đống tràn ra cả mặt đường. Đặc biệt, trong quá trình thi công, chất thải từ hệ thống mương thoát thải đen ngòm, đặc quánh được vận chuyển đổ vào giữa giải phân cách khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Ông Nguyễn Văn T., một người dân sống ngay trên đoạn đường chưa thi công cho biết, hơn 18 năm nay, gia đình ông và nhiều hộ dân xung quanh thường xuyên chịu cảnh “tra tấn” bởi rác thải và ô nhiễm, mùa mùa thì nước ngập lênh láng, mùa nắng thì khói bụi mù mịt. “Hiện khu vực này còn 4 hộ với khoảng gần 500m2 chưa giải phóng xong mặt bằng. Gia đình tôi có khoảng 50m2 trong diện giải phóng mặt bằng, tuy chưa được trả tiền nhưng tôi vẫn sẵn sàng để nhà thầu thi công nhưng có thấy họ đến làm đâu”.
Cũng theo ông T., do thi công dở dang lại không có hệ thống biển cảnh báo, đèn báo hiệu hay phương án đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có đoạn các phương tiện phải đi vào đường ngược chiều nên thường xuyên xẩy ra tai nạn. “Trên tuyến đường này tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ tại nạn xảy ra, trong đó có 01 vụ dẫn đến chết người và 02 vụ nghiêm trọng, đến nay vẫn còn 02 trường hợp phải sống thực vật. Nhiều hôm đang ngủ bỗng nghe tiếng “rầm” ngoài đường, mọi người chạy ra thì đã thấy người và xe bay lên giải phân cách hoặc giữa vũng nước, nếu không được cấp cứu kịp thời thì rất dễ dẫn đến tử vong”.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc dự án chậm tiến độ và bị “đội vốn” gấp nhiều lần, một cán bộ BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Nghệ An (chủ đầu tư dự án) cho biết, do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng và bổ sung thêm hạng mục so với thiết kế ban đầu.
Theo đó, trong tổng số hơn 281 tỷ đồng, phần lớn số tiền này đều chi trả cho giải phóng mặt bằng. Hiện dự án còn thiếu hơn 16 tỷ tiền giải phóng mặt bằng nên tạm dừng. Phía BQL dự án đã đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để sớm tiếp tục hoàn thành dự án.
Không chỉ bị đội vốn một cách “khủng khiếp”, việc tuyến đường chưa đầy 1km nằm ngay giữa thành phố sau hơn 18 năm thi công vẫn không hẹn ngày hoàn thành đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân xung quanh cũng như nhiều hệ lụy khác. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở Nghệ An cần nhanh chóng có các phương án cụ thể, quyết liệt nhằm sớm hoàn thành đưa vào sử dụng công trình và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan./.
Theo Trung Thông - Thanh Hà - tamnhin.trithuccuocsong.vn