UBND tỉnh Nghệ An vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống thoát nước quanh Khu công nghiệp Hoàng Mai II.
Dự án được đầu tư nhằm thoát nước mặt trong và ngoài Khu công nghiệp; thoát nước thải đã xử lý đạt chuẩn cho nhà máy xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp; góp phần đồng bộ hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào Khu công nghiệp Hoàng Mai II.
Theo đó, tổng chiều dài tuyến kênh khoảng 9,7 Km. Công trình trên tuyến gồm: Đường hoàn trả, vận hành; hệ thống cống ngang, máng dẫn; hệ thống an toàn giao thông; hệ thống chiếu sáng;...
Tổng mức đầu tư dự án là 326 tỷ đồng. Nguồn vốn được trích từ nguồn vốn ưu đãi đầu tư; đền bù GPMB; trung ương bổ sung có mục tiêu; tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách hàng năm. Dự án được thực hiện tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án không quá 4 năm, kể từ ngày khởi công.
UBND tỉnh Nghệ An giao Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư theo đúng quy định; đảm bảo mục tiêu đầu tư, chất lượng, tiến độ thực hiện, tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả dự án. Đồng thời phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND thị xã Hoàng Mai hoàn thành thủ tục về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng liên quan đến dự án theo quy định…
Khu công nghiệp Hoàng Mai II được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là CTCP Hoàng Thịnh Đạt vào đầu tháng 10/2023.
Theo đó, Khu công nghiệp Hoàng Mai II có quy mô sử dụng đất hơn 334,7 ha, trong đó, phần diện tích đất các nhà đầu tư hiện hữu đã thuê đất của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật không tính vào phần diện tích được phép cho thuê lại đất của nhà đầu tư.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.900 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 570 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 9/10/2023.
CTCP Hoàng Thịnh Đạt chỉ được thực hiện dự án sau khi có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định.
Bên cạnh đó, dành tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm e, điểm g khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.