Theo đó, Giấy chứng nhận 48 sản phẩm OCOP được cấp cho các chủ thể theo Quyết định số 303/QĐ-UBND ngày 4/2/2020 của UBND tỉnh Nghệ An đã hết hiệu lực kể từ ngày 4/2/2023.
Tuy nhiên, thời điểm này mới có 8/48 sản phẩm tại Quyết định này tham gia đánh giá, phân hạng lại.
Cụ thể: Dệt thổ cẩm (khăn, chân váy, khăn trải bàn) của Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu) đạt 4 sao OCOP năm 2019, năm 2022, sau khi đánh giá lại thì xếp hạng 3 sao; Trà gạo thảo dược Vĩnh Hoà (Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa, Yên Thành) đạt 3 sao OCOP năm 2019, năm 2022 đánh giá lại, được xếp hạng 3 sao; Cam Vinh (Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Minh Thành, Yên Thành) đạt 3 sao OCOP năm 2019, năm 2022 đánh giá lại và được xếp hạng 3 sao; Lạc sen Diễn Châu (Công ty TNHH Nông, lâm, thủy sản Sỹ Thắng, Diễn Châu) đạt 3 sao OCOP năm 2019, đến năm 2021 đánh giá lại và được xếp hạng 4 sao.
Hạt sen sấy (Hợp tác xã sen Quê Bác, Nam Đàn) đạt 3 sao OCOP năm 2019, đến năm 2021 đánh giá lại và được xếp hạng 4 sao; Hương trầm Hà Loan (hộ sản xuất Trần Thị Loan, thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu) đạt 3 sao OCOP năm 2019, đến năm 2022 đánh giá lại và được công nhận 3 sao; Hương thẻ Bình Minh (hộ sản xuất Nguyễn Thị Bình, thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu) đạt 3 sao OCOP năm 2019, đến năm 2022 đánh giá lại và được công nhận 3 sao; Tinh bột nghệ Hoàng Mai (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Tâm, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) đạt 3 sao OCOP năm 2019, đến năm 2022 đánh giá lại và được công nhận 3 sao.
Đến nay, mặc dù đã hết thời hạn được công nhận sản phẩm OCOP, song 40 sản phẩm vẫn chưa được đánh giá, xếp hạng lại. Cụ thể: TP. Vinh (11 sản phẩm), Nam Đàn (6 sản phẩm), Thanh Chương (7 sản phẩm), Anh Sơn (3 sản phẩm), Quỳnh Lưu (4 sản phẩm), Con Cuông (3 sản phẩm), Yên Thành (1 sản phẩm), Diễn Châu (2 sản phẩm), thị xã Hoàng Mai (1 sản phẩm), Tân Kỳ (2 sản phẩm).
“Theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" thì Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành", ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết.
Trong trường hợp các chủ thể vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu OCOP trên sản phẩm đã hết thời hạn chứng nhận sẽ bị xử lý theo quy định tại Quyết định số 1162/QĐ-VPĐP-OCOP, ngày 17/9/2020 của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Theo Hoàng Trinh - congthuong.vn