4-16625501597791417180781-16625509553881601064290-1662558758.jpg
Cán bộ CDC Nghệ An điều tra dịch tễ, bắt mỗi vằn tại nhà có bệnh nhân mắc Sốt xuất huyết

Theo ông Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 7/9/2022, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã xuất hiện tại 35 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố với 833 ca mắc SXH, trong đó có, 174 ca ngoại lai và 659 ca nội tại. (đứng thứ 2 trong số các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, sau Hà Nội). 

Ca mắc tại tỉnh đầu tiên được ghi nhận tại xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang, Nghi Lộc vào ngày 25/5/2022.

Trong số 833 ca mắc SXH, đã có 2 bệnh nhân tử vong: 01 bệnh nhân ở xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu (nam, sinh năm 1987); 01 bệnh nhân ở thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu (nữ, sinh năm 1997)... 02 bệnh nhân tử vong này mắc SXH nhưng nhập viện điều trị muộn; khi nhập viện, bệnh diễn biến nhanh.

Cũng theo ông Trang, năm 2022 này, dịch SXH ghi nhận xuất hiện ở nhiều địa phương mới, các năm trước đây chưa ghi nhận, xuất hiện trên diện rộng cả miền biển và khu vực miền núi, có 03 xã có ổ dịch tái ghi nhận gồm: phường Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai); xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn); xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).

Riêng trong 6 ngày đầu tháng 9/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 162 ca mắc nội tại, trung bình ghi nhận 27 ca/ngày. Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Nghệ An trong thời gian tới là rất lớn.

Hiện ở Nghệ An lưu hành hai type virus D1 và D2 gây SXH. Trong đó, type virus D1 có độc lực mạnh nhất trong 4 type, còn type virus D2 có tốc độ lây lan rất nhanh. Việc cùng lúc lưu hành hai type virus này khiến dịch SXH ở Nghệ An có nguy cơ lan rộng và diễn biến nặng.

3 địa phương ở Nghệ An có nguy cơ SXH tăng cao và có nhiều nguy cơ lây lan nhanh trong thời gian tới đó là huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai…

Để triển khai phòng, chống dịch SXH, ngành Y tế Nghệ An và các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có dịch SXH lưu hành hàng năm; giao thông, điều kiện địa lý, khí hậu thích hợp cho véc-tơ truyền bệnh SXH du nhập, sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt, ý thức người dân, nếp sống, đặc thù ngành nghề của người dân có nhiều điều kiện thuận lợi cho véc-tơ phát triển.

Một số địa phương, sự vào cuộc của chính quyền, các tổ chức xã hội còn thiếu quyết liệt. Các chiến dịch, hoạt động phòng chống dịch tại địa phương chưa được duy trì lâu dài, thường xuyên… Đây chính là những lý do khiến SXH ở Nghệ An bùng phát.

3-16625501597381450045090-16625509554121608479178-1662558802.jpeg
Phun hóa chất diệt muỗi vằn truyền bệnh Sốt xuất huyết

Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, vẫn còn đó sự chủ quan, lỗ hổng nhất định trong công tác phòng chống dịch SXH. Chúng ta cần phải quyết liệt, chủ động, vào cuộc đồng bộ hơn để phòng chống dịch hiệu quả. Cần gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban ngành với kết quả công tác phòng, chống SXH theo quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó khẩn cấp phù hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh; bố trí kinh phí, đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống SXH.

Đối với các huyện có nguy cơ cao như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai chỉ đạo các xã, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn khẩn trương triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại cộng đồng và đồng thời tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành để chống dịch SXH tại các khu vực ghi nhận ca bệnh; trạm y tế các xã, trường học, chợ, khu vực tập trung đông người...

Các trung tâm y tế tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch SXH; thực hiện giám sát ca bệnh, phát hiện ca bệnh mới và ổ dịch mới; trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn trạm y tế triển khai giám sát véc-tơ, giám sát hoạt động xử lý môi trường khu vực quanh nhà bệnh nhân; phối hợp cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn truyền thông về bệnh SXH cho người dân, khuyến cáo người dân khi mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Các cơ sở điều trị trên địa bàn tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH; rà soát, bổ sung thuốc, vật tư trang thiết bị phục vụ thu dung điều trị bệnh nhân SXH theo đúng quy định của Bộ Y tế; phối hợp trung tâm y tế huyện báo cáo ca mắc, lấy mẫu và xét nghiệm tất cả các ca bệnh đến khám hoặc nhập viện theo triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ.

UBND các xã, phường, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp do đồng chí chủ tịch UBND làm trưởng ban; bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống SXH; tăng cường công tác đôn đốc, thúc đẩy, kiểm tra các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương, cơ sở; khen thưởng, xử phạt kịp thời các đơn vị, cá nhân, tổ chức theo kết quả phòng chống dịch được giao; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị, tổ chức cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng chống SXH, tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan tại địa phương theo quy định. Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay./.