Hiện có 10/11 BQL rừng phòng hộ trên địa bàn Nghệ An có sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
Báo cáo giải trình của Sở NN& PTNT trước Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã thừa nhận một số sai phạm tại một số Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt trong đó là các sai phạm trong công tác quản lý tài chính.
Cụ thể, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành có 8 cán bộ, nhân viên bị khởi tố do lập hồ sơ giả, biến hơn 30 lô đất rừng của Nhà nước thành tiền riêng để chia nhau và chi sai nguyên tắc gần 5 tỷ đồng. Tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, có 4 cán bộ đã bị tòa án xét xử do chi sai 752 triệu đồng, gây thiệt hại cho nhà nước. Còn những sai phạm tại Ban quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tương Dương thì hiện nay Công an tỉnh và Sở NN&PTNT đang điều tra, làm rõ.
Ngoài ra, từ năm 2016 – 2019, Sở NN& PTNT, Sở Tài chính đã tổ chức 28 đoàn thanh tra tại 11 Ban quản lý rừng phòng hộ. Qua đó phát hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đã chi trả chế độ, phụ cấp cho người lao động sai đối tượng, không trích nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trong 2 năm 2016-2017 hơn 333 triệu đồng; 10 đơn vị có sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước hơn 914 triệu đồng. Qua thanh tra, phát hiện một số công trình có sai phạm trong thi công xây lắp với tổng số tiền hơn 569 triệu đồng;
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, với vai trò là cơ quan chủ quản, Sở xin nhận trách nhiệm. Song, trong nhiều vụ việc nguyên nhân là do lịch sử để lại, bên cạnh đó tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ của một số cán bộ thực thi công vụ còn yếu. Ngoài ra, có những nguyên nhân khách quan như diện tích rừng trên địa bàn lớn, trong khi biên chế cán bộ bảo vệ rừng của các BQL giảm nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng…
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐND Nghệ An cho rằng, trong các nguyên nhân thì thấy rằng có những yếu tố khách quan, bất cập. Tuy nhiên, cái chính vẫn là nguyên nhân chủ quan, là chức trách, nhiệm vụ của ngành. Cụ thể, trách nhiệm này thuộc các BQL rừng phòng hộ và cơ quan chủ quản là Sở NN&PTNT. Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương, kiểm lâm và thanh tra.
Vì vậy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phải xem xét, tham mưu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BQL rừng phòng hộ. Cùng đó, phải nâng cao chất lượng hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các đoàn thanh tra. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn, ngăn ngừa sai phạm, không để xảy ra những sai phạm lớn. Các kết luận thanh tra phải được công khai. Khi phát hiện sai phạm thì quy trách nhiệm rõ và xử lý nghiêm túc.