Đây được đánh giá là một kết quả tích cực, trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió cả cũ và mới liên quan đến hàng loạt vấn đề như việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ đến dự án dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Đánh giá về kết quả cuộc đàm phán, cả Nga và Mỹ đều tỏ ra hài lòng. Trong khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price mô tả cuộc đàm phán là “chuyên nghiệp và thực chất” thì Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, Mỹ đã thể hiện sự sẵn sàng để tham gia vào một cuộc đối thoại xây dựng.
Đây là cuộc đàm phán chiến lược đầu tiên giữa Nga và Mỹ dưới thời chính quyền mới tại Mỹ và được quyết định sau Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6/2021 trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước về một loạt vấn đề, trong đó có kiểm soát vũ khí. Ngay trước thềm cuộc họp, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cáo buộc Nga tìm cách can thiệp cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm sau của Mỹ, đồng thời cho rằng Nga không có gì ngoài vũ khí hạt nhân và dầu mỏ. Đáp lại, Điện Kremlin chỉ trích thông điệp của Tổng thống Joe Biden là “sai lệch”, phản ánh sự thiếu thông tin của ông chủ Nhà Trắng về Nga.
Chính vì thế, việc hai bên có thể nhất trí tiếp tục đối thoại đã phần nào phản ánh ưu tiên cao mà Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Putin đặt ra nhằm tránh một cuộc chay đua vũ trang mới. Theo Chuyên gia Andrey Baklitskiy tại Trung tâm Nghiên cứu cấp cao Mỹ thuộc Học viện Ngoại giao Moscow, cuộc đàm phán tại Geneva là một bước đi tích cực. Tuy nhiên hai bên cũng cần đẩy nhanh tốc độ vì mục tiêu là phải bắt đầu càng sớm càng tốt các cuộc đàm phán nhằm hạn chế các kho vũ khí hạt nhân.
“Nga vẫn còn lo ngại Mỹ điều chỉnh máy bay ném bom hạng nặng và bệ phóng để phóng tên lửa đạn đạo. Cũng như việc chính quyền Tổng thống Joe Biden trong báo cáo tuân thủ kiểm soát vũ khí hàng năm đã ủng hộ chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khẳng định Nga đơn phương tham gia vào một vụ thử hạt nhân và vi phạm lệnh cấm thử hạt nhân”, ông Andrey Baklitskiy nói.
Tháng 1/2021, Nga đã phê chuẩn gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược mới (NEW START) với Mỹ, vài ngày trước khi văn kiện này hết hiệu lực. Hiệp ước này hạn chế số đầu đạn hạt nhân chiến lược, tên lửa và bom mà Nga và Mỹ có thể triển khai. Nga và Mỹ hiện đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới.
Một trong những trở ngại lớn nhất trong các cuộc đàm phán là việc Nga yêu cầu Mỹ ngừng chống lại các giới hạn về khả năng phòng thủ tên lửa, điều mà người Nga coi là mối đe dọa lâu dài, nhưng người Mỹ lại coi là biên pháp ngăn chặn chiến tranh. Nga từ lâu khẳng định không thể có sự ổn định chiến lược mà không có giới hạn về vũ khí phòng thủ, cũng như tấn công và điều này nên là một phần của thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong tương lai./.