Phát biểu trong cuộc họp với các thành viên chính phủ hôm 10/3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Điện Kremlin có thể tìm ra những cách khả thi về mặt pháp lý để tịch thu tài sản của các công ty nước ngoài dừng hoạt động tại Nga.
"Chúng ta cần hành động quyết đoán đối với những công ty dừng hoạt động sản xuất của họ (tại Nga)", ông Putin nói.
Tổng thống Putin cho biết chính phủ Nga sẽ tìm cách "đưa quản lý từ bên ngoài vào" và "chuyển giao các doanh nghiệp này cho những người thực sự muốn làm việc". "Có đủ công cụ pháp lý và thị trường để làm việc này", ông Putin nói.
Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết một dự luật đã được soạn thảo để quản lý vấn đề này.
"Nếu chủ sở hữu nước ngoài đóng cửa công ty một cách bất hợp lý, thì trong những trường hợp như vậy, chính phủ sẽ đề xuất quản lý từ bên ngoài vào. Tùy thuộc vào quyết định của chủ sở hữu, điều đó sẽ quyết định số phận tương lai của doanh nghiệp", ông Mishustin nói.
"Nhiệm vụ trọng tâm sẽ là duy trì hoạt động của các tổ chức cũng như việc làm. Hầu hết doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động trong khi vẫn duy trì việc làm và tiền lương. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình này", ông Mishustin nói thêm.
Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga đã lập một danh sách các công ty quyết định rời khỏi nước này và có thể bị tịch thu tài sản.
Hàng chục công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thuộc hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đã tạm dừng các dự án liên doanh, đóng cửa nhà máy, cửa hàng và văn phòng trong 2 tuần qua để phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và thực thi các lệnh trừng phạt.
Làn sóng công ty rời khỏi Nga bao gồm các thương hiệu công nghệ và tiêu dùng mang tính biểu tượng của phương Tây như McDonalds, Coca-Cola, Apple, cũng như các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực dầu khí như BP và Shell. Ngân hàng Goldman Sachs ngày 10/3 cũng thông báo sẽ đóng cửa hoạt động tại Nga và các ngân hàng khác được dự đoán sẽ hành động tương tự.
Nga ngày 10/3 đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu 200 mặt hàng, có hiệu lực đến cuối năm 2022. Danh sách cấm xuất khẩu bao gồm thiết bị kỹ thuật, liên lạc, y tế, phương tiện giao thông, máy móc nông nghiệp, thiết bị điện, ngoài ra còn có toa tàu hỏa, container, tua-bin và một số sản phẩm gỗ, lâm nghiệp.
Bộ Kinh tế Nga cho biết các biện pháp này là "phản ứng logic với các lệnh trừng phạt chống lại Nga và nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục của các ngành kinh tế chủ chốt, đảm bảo sự ổn định của thị trường Nga".
Lệnh cấm được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Putin chỉ thị hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu một số mặt hàng và nguyên liệu thô của Nga đến cuối năm 2022 nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga liên tục hứng các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tổng thống Putin cho biết, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt, bao gồm cả qua Ukraine. Chủ nhân Điện Kremlin cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga là bất hợp pháp và Moscow sẽ bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề./.