"Hiện khoảng 50% doanh nghiệp của chúng tôi phải ngừng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp còn lại không thể vận hành 100% công suất", AFP dẫn lời Cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Ukraine, ông Oleg Ustenko, cho biết ngày 10/3.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson, ông Ustenko nói: "Tình hình tăng trưởng kinh tế rất đáng lo ngại kể cả chiến sự chấm dứt ngay lập tức".
Ông kêu gọi các chính phủ châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới chặn nguồn tiền của Nga bằng cách cấm vận dầu mỏ và khí đốt của nước này. Quan chức này hoan nghênh quyết định của Mỹ cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Washington cũng sẽ hỗ trợ quỹ tái thiết cho Ukraine. "Chúng tôi phải tái thiết lại nền kinh tế", ông Ustenko nói.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 9/3 đã phê chuẩn gói cứu trợ giải ngân nhanh 1,4 tỷ USD cho Ukraine. Ngân hàng thế giới (World Bank) trong tuần này cũng giải ngân gần 500 triệu USD hỗ trợ Ukraine, đây là một phần trong gói hỗ trợ tài chính trị giá 3 tỷ USD. Ngoài ra, quốc hội Mỹ hôm 9/3 cũng phê chuẩn gói hỗ trợ 14 tỷ USD cho Ukraine.
Ngoài kêu gọi hỗ trợ tài chính, ông Ustenko cho biết, Ukraine cũng cần được hỗ trợ thêm vũ khí, đạn dược để đối phó chiến dịch quân sự của Nga. "Điều này vô cùng quan trọng", ông nhấn mạnh.
Trong một diễn biến liên quan khác, Sputnik đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký luật tịch thu cưỡng chế những tài sản thuộc về Nga và của người dân Nga tại Ukraine vì lý do Nga triển khai chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Hôm 3/3, quốc hội Ukraine đã thông qua một dự luật cho phép quốc hữu hóa các tài sản của Nga ở Ukraine.
Thông cáo của cơ quan lập pháp Ukraine cho biết: "Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký ban hành luật các nguyên tắc chính về việc cưỡng chế tịch thu các tài sản thuộc quyền sở hữu của chính phủ và công dân Nga ở Ukraine mà quốc hội đã thông qua. Đạo luật này tạo nền tảng pháp lý cho việc tịch thu các tài sản (của Nga) dựa trên nhu cầu xã hội". Thông cáo cho biết thêm, việc tịch thu này có thể đáp ứng cho các nhu cầu của quân đội.
Nga mở chiến dịch tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine. Xung đột chưa có dấu hiệu lắng xuống sau hai tuần giao tranh. Lực lượng của Nga đang tăng cường bao vây, tấn công các thành phố chiến lược của Ukraine và khẳng định chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự.
Phái đoàn hai bên đã 3 lần đàm phán và ngoại trưởng hai nước hôm qua cũng hội đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ để tháo ngòi căng thẳng, song đều không mang lại kết quả đáng kể. Các thỏa thuận đạt được đến nay về cơ bản là việc nhất trí lập các hành lang nhân đạo sơ tán người dân ở một số thành phố của Ukraine./.