Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các địa phương: TP Vinh, huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TX Cửa Lò.
Việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực
Thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày một được cải thiện.
Đến nay, 67/76 Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC đang có hiệu lực (chiếm tỷ lệ 88,2%); 100% cơ quan, đơn vị quan tâm nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; 42/76 Bộ, cơ quan, địa phương (chiếm 55,3%) đã xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã được triển khai ở 9.200/11.956 Bộ phận Một cửa, chiếm 76,9%.
Việc khai thác tài nguyên dữ liệu phục vụ số hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả hơn. Thực hiện Đề án 06, 15 Bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh nhằm phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy…
Dịch vụ công trực tuyến có sự cải thiện rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, tại các Bộ, ngành, có khoảng gần 4.500 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết thì có khoảng 1.900 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 42%), 1.300 dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 28,8%). Tại các địa phương, trung bình mỗi tỉnh có gần 1.900 TTHC thì có khoảng 853 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 46,5%), 604 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 32,9%). Về số lượng hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành khoảng 80,7% (tăng 1,5 lần so với năm 2022), của địa phương khoảng 63,5% (tăng 1,8 lần so với năm 2022) trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Bộ phận Một cửa của nhiều Bộ, ngành, địa phương đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp và chủ động đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó có 03 Bộ, 20 địa phương đã tổ chức thực hiện tiếp nhận hồ sơ tại nhà hoặc hẹn giờ giải quyết TTHC theo yêu cầu; 01 bộ, 15 địa phương đã bố trí quầy tiếp nhận hồ sơ dành riêng cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, người có công với cách mạng; 02 bộ, 11 địa phương đã bố trí ki-ốt thông minh tại Bộ phận Một cửa phục vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả.
Ngày 23/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 766/QĐ-TTg phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Trên cơ sở Bộ chỉ số, hiện nay, có 10 Bộ, 47 địa phương đã thường xuyên công khai kết quả đánh giá, nhất là danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, từ đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, cải thiện rõ rệt chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hoặc sớm hạn của địa phương đạt 90%, của Bộ, ngành đạt 50,2% (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022); mức độ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị của địa phương đạt 93% và của Bộ, ngành đạt 76,6%.
Nghệ An lãnh đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, xác định cụ thể những nút thắt, điểm nghẽn trong công tác cải cách TTHC
Tại Nghệ An, trong thời gian qua, tỉnh luôn xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác cải cách hành chính (CCHC) và đã dành sự quan tâm chú trọng đặc biệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, xác định cụ thể những nút thắt, điểm nghẽn trong công tác cải cách TTHC để đề ra các giải pháp tháo gỡ, định hướng giải quyết.
Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tập trung nâng cao chất lượng góp ý, thẩm định quy định về TTHC ngay từ giai đoạn lập đề nghị, xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). 100% đề nghị, dự thảo văn bản QPPL có chứa quy định TTHC đều thực hiện đánh giá tác động của TTHC theo đúng quy định. 09 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua 03 Nghị quyết có quy định về TTHC.
UBND tỉnh đã chủ động, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền trong hoạt động quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực như: Đầu tư, xây dựng, đất đai, du lịch... để rút ngắn thời gian, trình tự giải quyết công việc và TTHC. Đến nay, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đã được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Tỉnh cũng chủ động tổng hợp, thống kê, công bố 60 TTHC nội bộ giữa các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND tỉnh để tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hoá theo lộ trình tối thiểu 20% TTHC nội bộ.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã báo cáo những kết quả đạt được cũng như chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc cần khắc phục đồng thời, nêu các ý kiến đề xuất để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; các Bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công...
Xây dựng quy trình mới thực sự minh bạch, tránh phát sinh những thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá trong thời gian qua, công tác CCHC đã đạt được kết quả bước đầu, trong đó có một số mô hình, cách làm của một số địa phương rất hay, cần học tập, nhân rộng.
Tuy nhiên, hiện nay, một số thể chế đang là rào cản công việc; cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, chưa có khả năng kết nối liên thông giữa các Bộ, ngành, đơn vị có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu có thể tái sử dụng, thống kê chỉ mới đạt được 3%. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa tốt. Chất lượng dịch vụ chưa cao, có nơi còn mang tính hình thức. Sự tham gia của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế…
Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu trong thời gian tới, từng cấp, từng ngành phải xem đây là việc quan trọng, cần thay đổi thói quen, rào cản của bản thân, phải thay đổi, thực hiện nguyên tắc “Việc gì khó phải có cách tiếp cận khác”. Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, “nơi nào người đứng đầu quan tâm thì nơi đó tốt, tích cực và ngược lại, không có đáp số khác” – Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
Rà soát các quy trình cũ, xây dựng quy trình mới thực sự minh bạch, tránh phát sinh những thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Tăng cường công tác phối hợp, từng bước hoàn thiện quy chế, xác định rõ “công việc của ai”. Đồng bộ các hệ thống giải quyết TTHC; đối với các hệ thống chưa thực hiện đồng bộ được thì phải liên thông, kết nối với nhau.
Trong quá trình giài quyết, mỗi Bộ, ngành, địa phương cần phải có sự linh hoạt phù hợp với thực tiễn, điều kiện thực tế; thực hiện cắt giảm các dịch vụ công không phát sinh hồ sơ trong 3 năm nay, thực hiện cắt, giảm các hồ sơ thủ tục không có hiệu quả; chủ động báo cáo với Tổ công tác những tồn tại, hạn chế, bất cập. Cán bộ thực hiện các nhiệm vụ phải có đạo đức, trách nhiệm, năng lực. Quan tâm, thúc đẩy việc thực hiện Đề án 06. Đồng thời, phải lắng nghe ý kiến của người dân, và doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về TTHC.