Vừa qua, hai vụ việc Bí thư tỉnh Thanh Hóa và Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh phải trực tiếp đứng ra yêu cầu cơ quan cấp dưới giải quyết bức xúc cụ thể của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính công khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Vụ thứ nhất, ông Võ Trọng Hải Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh sau khi công bố số điện thoại cá nhân, chỉ sau 2 ngày đã nghe hàng ngàn cuộc điện thoại để tiếp nhận phản ánh từ người dân về các vấn đề nóng liên quan đến thủ tục đất đai.
Ông Hải quyết định công bố số đường dây nóng vì xuất phát từ thực tế người dân phản ánh có cán bộ đã nhũng nhiễu, vòi vĩnh, "găm" hồ sơ, không chịu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân.
Vụ việc thứ hai, ông Đặng Ngọc Vinh (77 tuổi) ở Thành phố Sầm Sơn dù hồ sơ thủ tục đầy đủ nhưng suốt 4 năm ròng rã vẫn không được Chính quyền cơ sở làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất (sổ đỏ), buộc ông phải lên tận nhà Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Trọng Hưng để “cầu cứu”, sau đó mới được giải quyết.
Sau đó, tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Sỹ Nghiêm đã thừa nhận có tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thời gian qua.
Cả hai sự việc trên có thể thấy Bí thư Thanh Hóa và Chủ tịch Hà Tĩnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm người đứng đầu cấp tỉnh, “truy” trách nhiệm đến cùng đối với các cơ quan cấp dưới giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân.
Việc người đứng đầu cấp tỉnh, phải thay cấp dưới giải quyết từng vụ việc cụ thể cho công dân, chứng tỏ các cơ quan công quyền tại địa phương hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn những tồn tại yếu kém, làm khó, làm khổ gây bức xúc cho dân.
Tuy vậy, theo kết quả đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ công bố năm 2022, Thanh Hóa và Hà Tĩnh đều nằm trong “top” đầu tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ công của cả nước. Thanh Hóa lọt “top 5” với tỷ lệ hài lòng của người dân 85,31%, Hà Tĩnh chỉ xếp sau 2 bậc khi có tỷ lệ hài lòng của người dân đạt tới 84,37%.
Chỉ có hai địa phương trên có tỷ lệ người dân hài lòng cao hơn so với mặt bằng chung cả nước (80,08%) phần nào cho thấy công cuộc cải cách thủ tục hành chính hiện nay vẫn còn là rào cản lớn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tháng 6 vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký văn bản 493 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.
Dù Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.100 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhưng theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Cần nói thêm rằng, thủ tục hành chính bất cập chính là rào cản lớn khiến nhiều địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay vẫn chỉ có thể phát triển cầm chừng do nhà đầu tư e ngại tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Khi triển khai họ gặp rất nhiều thủ tục nhiêu khê làm mất cơ hội đầu tư nên có tâm lý e ngại.
Các nhà đầu tư không thể chỉ tin vào những lời hô hào kêu gọi đầu tư của người đứng đầu cấp tỉnh, thành phố mà họ chỉ thực sự yên tâm khi quá trình đầu tư có sự đồng hành của cả hệ thống công quyền với các thủ tục đầu tư đảm bảo nhanh gọn, công khai minh bạch và làm đúng quy định của pháp luật.
Cải cách hành chính bắt đầu từ con người
Nguyên nhân chính dẫn đến việc cải cách thủ tục hành chính chưa đạt được kết quả như mong đợi vẫn phụ thuộc vào con người.
Thực tế hiện nay trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ công chức, viên chức có năng lực, trình độ hạn chế, nắm bắt các quy định của pháp luật sợ sai nên có tâm lý sợ sệt, không dám làm.
Bên cạnh đó là một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế chính sách pháp luật cũng như sự thiếu hiểu biết về chính sách của một bộ phận người dân, doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc...
Do vậy, cải cách thủ tục hành chính hiệu quả phải bắt đầu từ “cải cách” con người.
Để làm được việc này trước hết phải xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ trục lợi, nhũng nhiễu làm khó người dân, doanh nghiệp. Loại bỏ những cán bộ có năng lực yếu không nắm bắt rõ các quy định của pháp luật “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Cùng với đó phải đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn để công chức có thể tự tin giải thích và giải quyết những vấn đề phát sinh trong các thủ tục hành chính.
Hiện nay chuyển đổi số với những ứng dụng công nghệ số là công cụ hỗ trợ cho việc loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà không đáng có. Chuyển đổi số giúp đơn giản hóa, tối ưu hóa bộ máy và làm cho hành chính trở nên hiệu quả hơn. Dựa vào chuyển đổi số để tinh giản bộ máy theo hướng hoạt động hiệu quả hơn, nhờ đó có thể tăng lương, tăng thu nhập cho người lao động.
Khi mức lương chưa đảm bảo cuộc sống thì công chức, viên chức chưa thể chú tâm phục vụ công việc toàn tâm, toàn lực. Do vậy, khi thủ tục hành chính được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến phổ biến sẽ góp phần tinh giản bộ máy, tăng lương cho công chức, viên chức để họ chuyên tâm làm việc.
Cải cách thủ tục hành chính từ con người là một quá trình dài và phức tạp, nhưng nó có thể đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho cả người dân và chính quyền.
Dù công việc giản đơn hay phức tạp đến mức độ nào cũng được vận hành bởi con người. Chỉ khi những người thực thi nhiệm vụ vì người dân thì công tác cải cách thủ tục hành chính mới thực sự hiệu quả.
Lúc đó Bí thư, Chủ tịch tỉnh sẽ dành thời gian vào công tác điều hành chung nhiều hơn, thay vì phải đi giải quyết những vụ việc cụ thể thay cho cấp dưới.