Nghị quyết thông qua tổng số thu ngân sách trung ương là hơn 1 triệu tỉ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỉ đồng. Chi ngân sách trung ương là 1,5 triệu tỉ đồng. Trong đó dự toán 248.786 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách.
Dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, đã bao gồm 14.434,4 tỉ đồng để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2025 không thấp hơn năm 2023.
Nghị quyết cũng thống nhất việc bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định, thu nhập tăng thêm, kinh phí chi thường xuyên theo định mức và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan, đơn vị (ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
Quốc hội thống nhất giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ ngành, địa phương đúng quy định. Việc phân bổ vốn đầu tư bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên.
Thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng năm 2025, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP.
Cùng đó là các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án chuyển tiếp, sau đó là bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nghị quyết cũng thống nhất việc sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển.
Trong đó ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông; lĩnh vực y tế; còn lại thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị của trung ương theo quy định tại nghị quyết số 142 của Quốc hội.
Chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu, tính đầy đủ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bổ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan; bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực./.