Theo tờ The Wall Street Journal, lượng đạn pháo cỡ 155mm dự trữ của Mỹ, sử dụng cho pháo M777 Howitzer, đang thấp tới mức báo động đang làm các quan chức quân sự nước này lo ngại. Một quan chức giấu tên còn cho biết hiện trữ lượng đạn 155mm dù chưa thấp tới mức báo động nhưng “đang ở mức khiến chúng tôi lo ngại nếu xảy ra xung đột.”
Và mặc dù hiện tại Mỹ đang không tham gia vào mâu thuẫn quân sự đáng kể nào, nhưng nước này vẫn đang có các hoạt động quân sự sử dụng pháo Howitzer, như vụ việc khai hỏa tấn công một nhóm khủng bố Iran tại Syria tuần trường.
Pháo Howitzer là loại pháo có khả năng tấn công tầm xa. Tính tới 24/8/2022 vừa qua, Mỹ đã viện trợ tới 126 pháo M777 Howizer tới Ukraine cùng với 806.000 đạn pháo 155mm. Tuần vừa rồi, chính phủ Mỹ cũng tiếp tục thông báo sẽ gửi thêm 245,000 đạn pháo 155mm tới Ukraine, nằm trong gói viện trợ gần 3 tỷ USD – gói viện trợ lớn nhất từng được gửi tới nước này kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi tháng Hai vừa qua.
Tuy nhiên, các khí tài này sẽ được cung cấp từ các đơn vị sản xuất, thay vì xuất trực tiếp từ các kho vũ khí Mỹ như trước đây. Điều này rất có thể nhằm xoa dịu các mối lo ngại của những nhà cầm quyền quân sự tại Mỹ khi thấy trữ lượng quân sự quốc gia đang ngày càng hao hụt.
Thực tế thì không chỉ Mỹ, mà cả châu Âu cũng đang đứng trước nguy cơ bị thiếu hụt vũ khí và đạn dược. Sau nửa năm xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ, rất nhiều báo cáo về việc các kho dự trữ vũ khí ở châu Âu bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt do tốc độ viện trợ cho Ukraine là quá nhanh./.