Nhiều thiệt hại do mưa lũ

Thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, mưa lớn gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung.

Cụ thể, mưa lũ đã làm 1 người chết tại Hà Tĩnh do nước cuốn trôi và 1 người bị chết tại Thừa Thiên Huế khi đánh bắt cá.
Mưa lớn đã khiến 1564 ngôi nhà bị ngập (Quảng Trị 17 nhà, Đà Nẵng 1.432 nhà, Huế 115 nhà).

Về giao thông, tỉnh Quảng Bình: 22 điểm các ngầm, tràn, tuyến đường liên thôn bị ngập.

1-1697338789.jpg
Mưa lớn gây ngập lụt tại thôn Thạch Nham Tây,xã Hòa Nhơn, Đà Nẵng. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Tỉnh Thừa Thiên Huế, ngập một số tuyến giao thông tại TP. Huế, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thuỷ, Hương Trà, Phú Vang từ 0,1-1,5m; các quốc lộ 1, 49, 49B, tỉnh lộ 3, 4, 6B, 8A, 8C, 12C, 12D, 15, 15B, 17B, 19, 25B ngập cục bộ từ 0,2-1,2m.

Thành phố Đà Nẵng, hiện còn một số điểm ngập cục bộ, nước đang rút chậm tại các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Hoà Vang.

Về nông nghiệp, 67,1ha hoa màu bị ngập (Quảng Trị 24ha; Đà Nẵng 28,1ha, Quảng Nam 15ha); 2,73ha thuỷ sản bị thiệt hại (Đà Nẵng).

Hiện các địa phương đang tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả và tiếp tục thống kê thiệt hại.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Dự báo, từ ngày 15/10 đến ngày 17/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm, riêng khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 250-450mm, có nơi trên 700mm; ở khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Giai đoạn ngày 17-18/10 mưa có xu hướng mở rộng lên phía Bắc; khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định có mưa lớn 100-200mm, có nơi trên 400mm.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng cấp 4; Quảng Nam: cấp 3; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi: cấp 2; Hà Tĩnh, Bình Định: cấp 1.

Hiện nay, mực nước các sông Thừa Thiên Huế, sông Cẩm Lệ tại Đà Nẵng trên BĐ1 và đang xuống, các sông khác khu vực miền Trung dưới BĐ1.

Mực nước lúc 3h/15/10 trên các sông như sau: Sông Bồ tại Phú Ốc (T.THuế): 2,26m, trên BĐ1 0,76m. Sông Hương tại Kim Long (T.THuế): 1,09m, trên BĐ1 0,09m. Sông Cẩm Lệ (Đà Nẵng): 1,19m, trên BĐ1 0,19m.

Cảnh báo, từ ngày 15-17/10, trên các sông ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-9m, hạ lưu từ 2- 4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình, Quảng Ngãi lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam lên mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 2-3.

Đà Nẵng sơ tán 6.831 người khỏi khu vực ngập lụt

Để ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, ngày 13-14/10/2023, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp và trực tiếp kiểm tra chỉ đạo ứng phó với mưa lớn; huy động 4.833 cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các địa bàn xung yếu và sơ tán 6.831 người khỏi khu vực ngập lụt; cho học sinh trên địa bàn toàn thành phố nghỉ học.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức kiểm tra, chỉ đạo triển khai ứng phó mưa lớn; sơ tán 421 người dân khỏi khu vực trũng, thấp, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất; tiếp tục cho học sinh khu vực trũng, thấp các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc nghỉ học. Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế đã huy động 100 cán bộ, chiến sỹ, dân quân và người dân xử lý sự cố sạt lở bờ kênh nội đồng tại khu vực xã Quảng Phước huyện Quảng Điền.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hoá đến Cà Mau và Kiên Giang chủ động ứng phó với vùng áp thấp và mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh. Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu tiếp tục triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, để chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.

Huy động lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp và mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.