Sáng 27/9, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, mưa lớn trong 2 ngày qua khiến địa bàn có nhiều điểm ngập sâu, nhiều diện tích, rau màu ngập úng. Lực lượng chức năng đã trắng đêm để di tản người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Ông Nhã thông tin thêm, thống kê ban đầu địa bàn có 23 nhà dân bị ngập khoảng 20-50cm tại xã Thanh, Thanh An, Cát Văn. Các hộ này đã được di dời người và tài sản. Ngoài ra, có 8 tuyến đường đã bị ngập sâu, nhiều cầu tràn nước dâng cao giao thông không qua lại được.
"Hiện, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo và rào và cắt cử người canh gác không cho người và phương tiện qua lại. Đặc biệt, các hộ gia đình ở gần khe suối và thấp trũng ở các xã đang được lực lượng chức năng hỗ trợ khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn" – ông Nhã nói.
Tại huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) nước ở thượng nguồn đổ về lớn cùng với đó nước sông Hiếu dâng cao làm ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn. Đặc biệt, tối ngày 26/9, tại thị trấn Tân Lạc nước dâng cao nhanh khiến người dân trắng đêm di tản cùng sự hỗ trợ của các chiến sĩ Công an.
Bà Nguyễn Thị Châu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu cho biết, trên địa bàn hai điểm Trường Mầm non và Tiểu học ở bản Tà Sỏi (xã Châu Hạnh) nước đã dâng lên ngập đến mái. Nhiều điểm trường ở xã Châu Thắng nước đã tràn vào trường khoảng 1m. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 26/9, Phòng đã chỉ đạo các trường trên địa bàn cho học sinh nghỉ học".
Mưa lớn cũng khiến hàng loạt Nhà máy thủy điện trên địa bàn Nghệ An đồng loạt xả lũ. Cụ thể, xả hồ chứa thủy điện Bản Cốc, Nhà máy Thủy điện Chi Khê vận hành điều tiết nước hồ chứa Thủy điện Chi Khê, Thủy điện Nhãn Hạc, Thủy điện Nậm Mô, Thủy điện Sông Quang...
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh thông báo cho, các huyện, cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư đang thi công ở ven sông, trên sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và toàn thể nhân dân trên địa bàn thuộc hạ du chủ động để đảm bảo an toàn.