“Em dậy chưa, mở cửa nhé, anh về rồi”, tiếng Trung úy Thào A Khư nói qua điện thoại lúc sáng sớm khiến chị D giật mình tỉnh giấc. Bởi đây là lần đầu tiên anh về nhà với chị vào ngày 8/3.
Cặp đôi quen biết qua sự mai mối của bạn bè. Lần đầu gặp mặt, anh tặng chị chùm hoa ban hái từ đơn vị, chị hạnh phúc mang hoa về sao khô làm kỷ niệm. Đó cũng là bó hoa duy nhất anh tặng chị từ ngày ấy đến nay.
Trung úy Thào A Khư, Đội Kinh tế - Ma túy Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, họp bàn tác chiến với đồng đội
Trung úy người Mông vượt lên nghịch cảnh
06/03/2023
Suốt thời gian yêu nhau, chị chưa bao giờ biết anh đi đâu và làm gì cụ thể, chỉ biết anh làm công an. Ngày anh ngỏ lời cầu hôn, chị mới biết công việc thật của người yêu.
Chị nói chuyện của anh với cha mẹ, anh chị, ai ai cũng khuyên chị phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì làm vợ công an ma túy sẽ vất vả và nguy hiểm. Nhưng chị tự nhủ, ai cũng sợ thì công an ma túy cả nước ế vợ mất. Thế là chị nhận lời lấy anh.
Ngày cưới, chị diện bộ trang phục của thiếu nữ Mông còn anh mặc quân phục uy nghiêm. Bạn bè chị đến dự ai cũng ngưỡng mộ và bảo trông hai vợ chồng đẹp đôi.
Sau đám cưới vài ngày, anh bỗng dưng “mất liên lạc” khiến chị vừa giận vừa hoang mang, lo lắng. Lúc ấy, hễ có người quen hỏi về tuần trăng mật của hai vợ chồng là chị lại rơi nước mắt vì tủi thân.
Gần 1 tháng sau ngày cưới anh mới trở về với khuôn mặt đầy vết xây xát trong khi chân tay chi chít nốt muỗi đốt, chị giận không thèm nói chuyện với anh suốt một ngày. Anh ôm chị vào lòng thủ thỉ: “Em thông cảm cho anh, chuyên án bí mật nên anh không thể tiết lộ gì thêm”. Chị không nói gì chỉ gật đầu tỏ vẻ đã hiểu.
Đôi ba lần bạn bè hỏi chị hôn nhân có hạnh phúc không mà từ ngày cưới chả bao giờ thấy đăng ảnh chồng lên mạng, cũng không chịu đưa chồng đi hội họp với bạn bè dịp lễ. Rồi có lúc chị bắt gặp anh đi với cô gái lạ ngoài chợ, khi lại thấy làm xe ôm đèo khách, có lần làm chàng trai đi phát rẫy,…và những lúc ấy dù nhìn thấy nhau nhưng hai vợ chồng chị cũng coi như không quen biết.
Ngày chị mang thai đứa con đầu lòng, anh là người biết sau cùng vì khi ấy đang bận một chuyên án. Rồi khi đứa con ra đi ở tháng thứ 7 thai kỳ anh cũng là người được thông báo cuối cùng vì thời điểm đó anh đang nằm vùng để triệt phá một ổ ma túy lớn trong rừng sâu nên điện thoại tắt nguồn.
Khoảng thời gian ấy chị khóc và suy sụp nhiều lắm, chỉ ước có chồng ở bên để được an ủi và dựa dẫm. Ngày anh về má chị đã khô nước mắt, anh chỉ biết ôm chị vào lòng mà khóc. Vài lần chị bắt gặp anh cầm xấp ảnh khám thai đứng tần ngần một lúc, lặng lẽ thở dài rồi lại cất đi.
“Em ở nhà đi đứng, cửa nẻo phải luôn cẩn thận, thấy có người lạ đi theo thì chạy đến chỗ đông người. Đừng gọi cho anh, khi nào có việc anh sẽ tự động gọi về, thấy tin nhắn hay cuộc gọi từ số lạ thì đừng bắt máy. Ai hỏi về anh cứ nói là không biết,…”, đó là những câu nói mà chị nghe đến thuộc lòng mỗi bận anh về.
Thế nên khi nhận những tin nhắn, cuộc gọi chửi bới, dọa nạt giết người phi tang cả ngày lẫn đêm, trên mạng lẫn ngoài đời chị không còn sợ như những lần đầu. Chị chẳng gọi anh vì biết gọi cũng không được, chỉ biết cầu mong cho anh và đồng đội luôn bình an.
Mùng 8/3 này nhìn bạn bè khoe ảnh bên chồng chị chẳng chạnh lòng, cũng chẳng ước hoa, mong quà, chỉ hy vọng anh ở nhà một ngày trọn vẹn, chưa phải đi đánh án ma túy để ăn với chị bữa cơm, rồi hai vợ chồng mua hoa quả về quê thắp hương cho bố và thăm mẹ.
“Cuộc đời người phụ nữ có chồng làm công an chống ma túy phải chấp nhận sống chung với những bí mật của chồng và sự đe dọa của tội phạm, quen với cảnh chồng đi biền biệt, có gặp ngoài đường cũng chả dám gọi tên mà lặng lẽ bước qua.
Ngày Lễ, ngày Tết cũng lặng lẽ một mình. Nhưng tôi vẫn hạnh phúc với điều ấy, bởi tôi biết chồng mình là người lính trong thời bình, anh có trách nhiệm bảo vệ sự bình yên cho đất nước, bản làng và bảo vệ những người chúng tôi yêu thương”, chị D vừa tâm sự qua điện thoại vừa xếp quần áo cho vào balo để chồng chuẩn bị lên đường, lao vào những trận vây bắt tội phạm ma túy tiếp theo…
Theo Lộc Liên - tienphong.vn